Tạo điểm tựa bảo hiểm bền vững cho Tam nông

20:05' - 13/09/2024
BNEWS Các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có Bảo hiểm Agribank đang tích cực, chủ động, nhanh chóng xác định thiệt hại, bồi thường và chi trả bảo hiểm để người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến 17h ngày 12/9, các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp nhận thông tin hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản, ghi nhận 14 trường hợp tử vong và 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng. Ảnh hưởng nặng nề để lại sau bão số 3 và mưa lũ cũng tạo ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cùng với ngành tài chính và ngành ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) đang tích cực, chủ động, nhanh chóng xác định thiệt hại, bồi thường và chi trả bảo hiểm để người dân có thể ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Minh Hoàng, Thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank.

Phóng viên: Thưa ông, cơn bão số 3 và mưa lũ gây hậu quả nặng nề đối với nhiều tỉnh, thành, trong đó khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn - đối tượng khách hàng chính của Bảo hiểm Agribank gánh chịu tổn thất lớn. Bảo hiểm Agribank đã thực hiện công tác xác định thiệt hại và chi trả bồi thường bảo hiểm như thế nào?

Ông Đỗ Minh Hoàng: Trong mấy ngày vừa qua, Bảo hiểm Agribank đã thành lập 15 tổ công tác đi đến những “điểm nóng” tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều địa bàn ở Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai... vẫn đang bị cô lập, chưa tiếp cận được hiện trường.

Chỉ đạo của Công ty đối với toàn bộ hệ thống là phải chủ động tiếp cận hiện trường, chủ động liên hệ với từng khách hàng đã mua bảo hiểm để nắm bắt thông tin về tổn thất trong điều kiện có thể. Thứ hai là phân cấp, phân quyền để cơ sở linh hoạt trong xác định thiệt hại và đưa ra phương án bồi thường.

Hiện quy trình bồi thường của chúng tôi gồm 3 bước: bước 1, tiếp cận hiện trường, giám định tổn thất; bước 2, lập phương án chi trả tạm ứng bồi thường và sau đó mới chuyển sang bước 3 là hoàn tất hồ sơ. Như vậy là tiền chi trả được ứng ra trước khi hoàn tất hồ sơ để khách hàng kịp thời sửa chữa tài sản, thay mới tài sản, sau đó mới bổ sung chứng từ, hoàn thiện hồ sơ.

Để làm được điều này, Bảo hiểm Agribank có lợi thế dựa vào hệ thống mạng lưới của Agribank tại cơ sở gồm có 2.400 chi nhánh, phòng giao dịch và đội ngũ cộng tác viên tổ vay vốn, Tổ Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… tại thôn, xóm, bản. Họ cùng giám sát quá trình vay vốn, quá trình tài sản đem thế chấp ngân hàng và nắm chắc tình hình thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Lợi thế thứ hai là tài sản thế chấp vay vốn của Agribank thì hồ sơ tín dụng có thể nhanh chóng xác minh. Từ đó nhanh chóng xác định được thiệt hại và rút ngắn các bước xét chi trả bồi thường.

Có thể nói chúng tôi có đầy đủ điều kiện và cơ sở pháp lý để chủ động chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại một cách nhanh nhất để bà con sớm ổn định đời sống và sản xuất.

Hiện qua rà soát sơ bộ của cán bộ Bảo hiểm Agribank, con số chưa đầy đủ là 340 vụ tổn thất về tài sản, chưa tính đến thiệt hại về con người, trong đó thiệt hại tài sản chủ yếu liên quan đến xe cộ, tàu thuyền, tài sản đảm bảo vay vốn…

Phóng viên: Có thể thấy sản xuất nông nghiệp và bà con nông dân là nhóm bị tổn thương nặng nề nhất trong thiên tai, bão lũ. Tuy nhiên bảo hiểm cho khu vực này thực sự chưa phát triển mạnh?

Ông Đỗ Minh Hoàng: Bản chất của bảo hiểm là giải pháp để quản lý, quản trị rủi ro hữu hiệu nhất đối với nền kinh tế thông qua các hoạt động phân tán rủi ro và chia sẻ rủi ro. Do đó, tính chất của bảo hiểm giống như một tấm lá chắn. Tấm lá chắn này không chỉ bảo vệ bà con nông dân mà còn giúp cho ngân hàng thu hồi vốn tín dụng.

Từ những vụ việc thế này càng thấy ý nghĩa của Bảo hiểm Agribank đối với bảo toàn nguồn vốn của Ngân hàng Agribank.

Tiếp cận với quan điểm rộng hơn là bảo hiểm cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì đúng là hiện nay theo như thống kê mới có khoảng 20% khách hàng vay vốn quan tâm đến bảo hiểm và chỉ có 16% dư nợ tín dụng của Agribank được bảo hiểm.

Vấn đề này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, người dân chưa thực sự hiểu hết về ích lợi của bảo hiểm. Thứ hai là họ chưa đủ dư giả tài chính trong chi phí sản xuất để mua bảo hiểm. Hay nói rộng ra, chi phí bảo hiểm cũng chiếm một khoản tài chính, trong khi biên độ lợi nhuận giữa doanh thu và chi phí của sản xuất nông nghiệp chưa cao, có khi chỉ là hòa vốn hoặc lấy công làm lãi nên nông dân chưa có dư địa tài chính để mua bảo hiểm.

Còn về phía các doanh nghiệp bảo hiểm thì hiện Bảo hiểm Agribank tiên phong triển khai nhiều sản phẩm đối với khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chúng tôi đang cung cấp 103 các sản phẩm bảo hiểm cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Sản phẩm gồm ba nhóm lớn: Nhóm thứ nhất chính là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người vay vốn, hiện nay chúng tôi đang cung cấp dịch vụ cho hơn 3 triệu hộ nông dân.

Nhóm thứ hai là các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ rủi ro về tài sản mà người dân phải đem đảm bảo hoặc tài sản thế chấp hoặc những tài sản hình thành từ vốn vay.

Và đặc biệt nhóm thứ ba là Bảo hiểm Agribank chịu trách nhiệm triển khai các sản phẩm thuần nông nghiệp với chính sách thương mại, không phải sản phẩm bảo hiểm lấy phí từ ngân sách nhà nước. Nhóm bảo hiểm nông nghiệp này nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, với nhiệm vụ phải cung cấp vốn cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Mục tiêu của các sản phẩm bảo hiểm chỉ tập trung vào 2 thuộc tính. Đó là, bảo vệ nguồn vốn nhà nước thông qua dòng vốn tín dụng vào ngành nông nghiệp; hai là khi người dân vay vốn Agribank mà không may bị tổn thất về tài sản hoặc tính mạng, sức khỏe thì đã có Bảo hiểm Agribank thay mặt để trả nợ gốc và lãi vay cho Agribank. Đồng thời, người dân đó lại có điều kiện về hạn mức tín nhiệm để được tái vay vốn.

Đây là điều giúp Bảo hiểm Agribank bảo vệ để tệp khách hàng của mình luôn luôn tăng trưởng và phát triển, đồng thời cũng giúp cho việc cung vốn tín dụng khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn được bền vững.

Phóng viên: Những lúc thiên tai, hoạn nạn thực sự mới thấy hết được ý nghĩa của bảo hiểm, đặc biệt đối với nông dân - nhóm dễ bị tổn thương nặng nề nhất. Theo ông, cần những giải pháp gì để phát triển, mở rộng các sản phẩm bảo hiểm, từ đó thêm tấm lá chắn bền vững cho khu vực nông nghiệp - nông dân và nông thôn?

Ông Đỗ Minh Hoàng: Như tôi đã nói, bảo hiểm là giải pháp quản trị rủi ro một cách hiệu quả, là tấm lá chắc vững chắc khi thiên tai, hoạn nạn.

Hiện Chính phủ đã có Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, trong đó cho phép dùng ngân sách hỗ trợ cho bà con nông dân đến 20% phí bảo hiểm. Vấn đề là Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể về quy tắc bảo hiểm, quy trình bảo hiểm để triển khai.

Hiện Bảo hiểm Agribank không đi vào các chương trình lấy phí bảo hiểm từ ngân sách mà tiên phong triển khai các sản phẩm bảo hiểm thương mại cho khu vực nông nghiệp, nông dân về nông thôn như Bảo an tín dụng.

Bảo hiểm bảo an tín dụng là sản phẩm bảo hiểm tự nguyện, không bắt buộc, tuy nhiên khách hàng vay được khuyến khích nên tham gia bảo hiểm này vì lợi ích mang lại. Đặc biệt đối với những người vay vốn dài hạn, yếu tố rủi ro cao hơn. Người vay vốn nếu không may gặp rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng hoàn trả vốn vay, Bảo hiểm Agribank sẽ thay mặt người vay trả cho ngân hàng số tiền tương ứng số tiền khách hàng mua bảo hiểm và lãi vay phát sinh.

Nhiều gia đình, nhờ tham gia bảo hiểm bảo an tín dụng, khi xảy ra rủi ro đã giảm được gánh nặng nợ nần cho người thân với những món nợ lên tới hàng trăm triệu đồng đã được giải quyết.

Một vấn đề nữa cũng cần quan tâm để bảo hiểm trong khu vực nông nghiệp - nông thôn và nông dân phát triển đó là các tổ chức được hưởng lợi trong khu vực này gồm ngân hàng, các doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logicstic… cần có trách nhiệm hỗ trợ chi phí bảo hiểm cho đầu vào của sản xuất từ khu vực nông nghiệp - nông thôn và nông dân.

Ví dụ như doanh nghiệp sản xuất phân bón cung cấp cho bà con trồng ngô, trồng lúa mà để sản phẩm ngô, lúa đó được bảo hiểm thì có thể tính phí bảo hiểm vào trong giá phân bón… Trong chuỗi liên kết đấy, mỗi mắt xích có một phần trách nhiệm, mỗi chủ quản có một phần trách nhiệm hỗ trợ thì khu vực nông nghiệp - nông dân và nông thôn sẽ được hỗ trợ bảo hiểm để phát triển bền vững.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục