Tạo động lực, không gian phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 6/6, sau khi nghe Chính phủ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1) và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về nội dung này.
Đẩy nhanh tiến độ, quyết liệt thực hiện
Đại biểu Đào Hồng Lan (Bắc Ninh) nhấn mạnh, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, có tác động tích cực kéo giãn mật độ dân cư, giảm áp lực giao thông cho 2 đô thị là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối 2 thành phố này với các tỉnh xung quanh, tạo nên liên kết vùng rộng mở cho không gian phát triển.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, đi qua địa phận thành phố Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (25,6km). Đại biểu nhận định, trong bối cảnh khu vực Bắc sông Đuống cơ bản phát triển kín hết, đường Vành đai 4 đi qua khu vực Nam sông Đuống sẽ mở ra không gian phát triển, tạo động lực cho tỉnh Bắc Ninh phát triển công nghiệp trong thời gian tới. Đại biểu Châu Ngọc Tuấn (Gia Lai) cho biết, đến nay, Tây Nguyên chưa có tuyến đường cao tốc nào, nên rất cần đầu tư cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu rõ, tuyến đường cao tốc này là con đường huyết mạch đi vào cảng Cái Mép - Thị Vải, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, đi lại cho doanh nghiệp, người dân. Xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu góp phần thúc đẩy phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải, một trong 20 cảng lớn nhất của thế giới, có độ sâu âm 14,5 mét - cảng có độ sâu lớn nhất ở nước ta. Tính riêng năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID -19 nhưng vai trò của cảng vẫn được phát huy, xuất khẩu, nhập khẩu đều phải qua cảng. Với riêng miền Đông Nam Bộ, nơi chiếm khoảng 40% GDP cả nước, có nhiều khu công nghiệp, hàng hóa xuất khẩu lớn nên nhu cầu đòi hỏi có đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là rất cấp bách, cần được quan tâm. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Dự án đường Vành đai 3 đã được quy hoạch từ lâu nhưng vì chưa bố trí được ngân sách nên chưa triển khai được. Theo đại biểu, điểm mới là dự án này theo nguyên tắc Trung ương - địa phương cùng làm; như thế sẽ đẩy nhanh tiến độ, vì vấn đề giải phóng mặt bằng phải do địa phương thực hiện mới nhanh được. Nhấn mạnh dự án này người dân đã chờ đợi hơn 10 năm, đại biểu đề nghị cần đẩy nhanh và quyết liệt thực hiện. Tán thành với việc đầu tư các dự án, tuy nhiên, đại biểu Dương Anh Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) lưu ý việc bảo đảm khâu triển khai chặt chẽ để không dẫn đến căn bệnh trầm kha là chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư. Dự án có sự phối hợp giữa bộ, ngành và địa phương nên khâu phối hợp phải được chú trọng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, thế giới bất ổn, cũng cần phải tính toán đến sự biến động giá cả.Cá thể hóa trách nhiệm
Phát biểu tại phiên họp tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các dự án đường bộ cao tốc, đường vành đai được bàn thảo rất kỹ, tốn nhiều thời gian trong quá trình chuẩn bị cho kỳ họp. Khóa XIV chỉ có một dự án quan trọng quốc gia thì ngay kỳ họp này có đến 5 dự án, nếu tính cả cao tốc Bắc - Nam được Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 2 thì ngay năm đầu của khóa XV đã có 6 dự án quan trọng quốc gia được xem xét.
Với 5 dự án vừa được Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều phiên làm việc, cho ý kiến cụ thể các nội dung để có căn cứ pháp lý trình Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, các dự án này được đề xuất áp dụng nhiều cơ chế đặc thù khác với luật hiện hành. Ví dụ, Luật Ngân sách Nhà nước không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia. Đường cao tốc thuộc trách nhiệm của Trung ương, còn đường song hành thuộc trách nhiệm địa phương, nhưng trong điều kiện hiện nay, Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho sử dụng cả vốn Trung ương và vốn địa phương để thực hiện vì "tình huống đặc biệt cần giải pháp đặc biệt". Hay theo Luật Giao thông đường bộ, cao tốc thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải quản lý, tỉnh lộ là của địa phương. Tuy nhiên, để một bộ đảm trách 6 dự án quan trọng quốc gia, chưa kể các dự án khác, thì không thể làm hết được, nên sẽ giao cho một số địa phương có dự án đi qua. Riêng hai đường Vành đai 3 và Vành đai 4 hoàn toàn giao cho các địa phương tương ứng với đoạn địa qua địa bàn, còn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối. Tuy vậy, Chính phủ cũng phải làm rõ khái niệm và trách nhiệm của đầu mối. Đối với các dự án cao tốc, có đoạn nằm trên cả 2 tỉnh giáp ranh thì quyết định giao Bộ Giao thông Vận tải phụ trách. "Đã cho cơ chế đặc thù thì phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hệ luỵ xấu, chỉ định thầu mà năng lực không đúng, làm không đến nơi đến chốn thì người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm. Đại biểu Trần Lưu Quang (Hải Phòng) cũng cho rằng, khi Quốc hội cho cơ chế đặc thù để triển khai nhanh các dự án thì cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, để không xảy ra "trục trặc", tránh sau khi thực hiện dự án lại liên quan kỷ luật, sai sót. Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cũng băn khoăn khi các dự án thời gian qua đều có xu hướng mở rộng hơn các cơ chế đặc thù. Trong điều kiện phục hồi kinh tế điều đó là cần thiết, song, việc áp dụng thế nào cũng cần có tổng kết đánh giá. "Bên cạnh áp dụng chính sách đặc thù thì phải thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo hoàn thành dự án, cơ chế được áp dụng đúng, chính xác, tránh sai sót xảy ra", đại biểu nêu quan điểm./.Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Giải quyết điểm nghẽn về giao thông, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia
10:37' - 06/06/2022
Một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ tính cấp thiết, khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với lạm phát.
-
Kinh tế Việt Nam
Sáng 6/6, Quốc hội nghe báo thẩm tra, thảo luận tổ về các dự án giao thông
07:58' - 06/06/2022
Sáng 6/6, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư các dự án đường bộ cao tốc; Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và dự án đường Vành đai 3 Tp Hồ Chí Minh...
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thị trường nông sản: Xuất khẩu gạo đã vượt 8 triệu tấn
17:25' - 24/11/2024
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng thống Bulgaria đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam
16:21' - 24/11/2024
Đây là chuyến thăm đầu tiên sau 11 năm của Tổng thống Bulgaria và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Rumen Radev trên cương vị Tổng thống.
-
Kinh tế Việt Nam
Phối hợp giải đáp những vướng mắc về chính sách sản xuất nông nghiệp
13:26' - 24/11/2024
Ngày 24/11, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói”.
-
Kinh tế Việt Nam
Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 11,49%
12:44' - 24/11/2024
Trong 11 tháng năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 11,49% so cùng kỳ, đạt 94,3% kế hoạch năm với hơn 51.343 tỷ đồng.
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư phát triển hệ thống cảng biển
10:55' - 24/11/2024
Nhằm tạo đột phá, phát huy lợi thế cạnh tranh khác biệt, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Long An quyết tâm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Hiện thực mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới
10:06' - 24/11/2024
Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy các lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hiện thực mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới.
-
Kinh tế Việt Nam
Triển vọng ngành bán dẫn nơi “thủ phủ” công nghiệp
08:50' - 24/11/2024
Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng ít đất, ít sử dụng lao động nhưng hiệu quả kinh tế và công nghệ cao, tỉnh Bắc Ninh đang hội tụ các yếu tố để phát triển ngành bán dẫn.
-
Kinh tế Việt Nam
Hoàn thiện các tiêu chí để đưa Phú Mỹ lên quy mô thành phố
21:04' - 23/11/2024
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chú trọng quan tâm khắc phục những tiêu chí còn thiếu, đặc biệt là về phục vụ dân sinh đô thị.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước
19:21' - 23/11/2024
Một số đại biểu cho rằng cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh, chính sách cần thể hiện, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước.