Tạo mặt bằng để tiếp nhận dự án đầu tư vào khu công nghiệp

12:29' - 11/01/2021
BNEWS Tỉnh Hà Nam đang tập trung hỗ trợ các công ty kinh doanh hạ tầng để giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng khu công nghiệp, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Theo ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, để tăng cường thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, tỉnh Hà Nam tập trung hỗ trợ các công ty kinh doanh hạ tầng giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng khu công nghiệp, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm tạo mặt bằng sẵn có để tiếp nhận dự án đầu tư.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đến năm 2020, tỉnh Hà Nam sẽ phát triển 8 khu công nghiệp với tổng diện tích là 2.534 ha.

Đến thời điểm này, tỉnh Hà Nam có 8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án với tổng diện tích là 2.043 ha; trong đó diện tích đất công nghiệp là 1.458 ha.

Có 7/8 khu công nghiệp đã được đầu tư cơ bản đồng bộ cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, còn khu công nghiệp Thái Hà giai đoạn I đang triển khai đầu tư hạ tầng.

Tổng diện tích các khu công nghiệp đã cho thuê là 1.085,5 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy là 74,4%, còn khoảng 372 ha đất công nghiệp có thể cho các doanh nghiệp thuê.

Cùng với đó, tỉnh thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin, trao đổi với đại diện của các tổ chức xúc tiến đầu tư như: Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc, Jetro (Nhật Bản), Kotra (Hàn Quốc)… để giới thiệu và mời các nhà đầu tư về đầu tư tại các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam phối hợp, đôn đốc các ngành, đơn vị có liên quan thúc đẩy xây dựng đồng bộ và cung cấp ổn định các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp như: điện, nước, dịch vụ viễn thông,… hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động, tư vấn, phổ biến chính sách, pháp luật cho người lao động.

Theo đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam phối hợp chặt chẽ với ngành điện trong việc nâng cao chất lượng điện cung cấp cho các doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc cắt điện, cắt điện không báo trước; đôn đốc, yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch nâng cao chất lượng nước, đảm bảo đủ áp lực khi cung cấp cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, phối hợp với các tổ chức cung ứng nhân lực được cấp phép để tuyển dụng lao động, nhất là lao động có trình độ cao cho các doanh nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cũng tăng cường quản lý về quy hoạch xây dựng, bảo vệ môi trường khu công nghiệp, quản lý lao động, hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp về công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Ông Trần Văn Kiên cho biết, năm 2020, các khu công nghiệp trong tỉnh Hà Nam đã thu hút được 45 dự án; trong đó có 30 dự án FDI và 15 dự án trong nước, điều chỉnh 176 lượt dự án, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 702,5 triệu USD và 2.631,7 tỷ đồng đầu tư vào các khu công nghiệp, đạt 151% kế hoạch đề ra, và là một trong mười tỉnh, thành thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất cả nước.

Cụ thể, trong số 45 dự án thu hút trong năm 2020 có 11 dự án thuộc ngành công nghiệp chế tạo, 5 dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, 22 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, 7 dự án thuộc ngành khác.

Như vậy, lũy kế đến nay, tại các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam có 459 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó có 284 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 3.880,1 triệu USD và 175 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 32.111,8 tỷ đồng.

Năm 2020, mặc dù các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, việc nhập nguyên vật liệu khó khăn, thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng, chi phí cho phòng, chống dịch phát sinh.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự tháo gỡ khó khăn kịp thời của các cơ quan chức năng, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp vẫn được duy trì, phát triển.

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt 110.690 tỷ đồng tăng 19% so với năm 2019, và ước đạt 105% kế hoạch năm; thu ngân sách nhà nước đạt 4.271 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2019 và đạt 99% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu ước đạt 2.766 triệu USD tăng 15% so với năm 2019 và ước đạt 106% kế hoạch năm.

Một số ngành nghề sản xuất sản lượng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước như: linh kiện thiết bị điện tử tăng 6% so với năm 2019, đạt 100% kế hoạch năm; sản phẩm nhựa tăng 10% so với năm 2019, đạt 100% kế hoạch năm; gạch ốp lát tăng 12,5% so với năm 2019, đạt 100% kế hoạch năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục