Tạo sự chuyển biến trong giải ngân đầu tư công

08:28' - 17/10/2022
BNEWS Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng trưởng kinh tế - xã hội nhưng kể từ trước khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, giải ngân vốn đầu tư công luôn chậm.

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng trưởng kinh tế - xã hội nhưng kể từ trước khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, giải ngân vốn đầu tư công luôn chậm. Các nguyên nhân được chỉ rõ, giải pháp cũng đưa ra, nhưng việc chậm vẫn hoàn chậm. Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Mai Thị Thùy Dương đã trao đổi xung quanh vấn đề này với phóng viên TTXVN. 

 

Phóng viên: Trong 3 năm gần đây, giải ngân đầu tư công luôn chậm dù hàng năm Chính phủ đều ban hành các nghị quyết để thúc đẩy giải ngân. Vậy Bộ Tài chính gặp vướng mắc gì trong quá trình thực hiện và chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công? 

Phó vụ trưởng Mai Thị Thùy Dương: Với chức năng quản lý, thanh toán vốn đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đã xây dựng Nghị định về quản lý, thanh toán và quyết toán các dự án sử dụng vốn đầu tư công trình Chính phủ ban hành.

Trong số đó, quy định thống nhất về quy trình "thanh toán trước, kiểm soát sau", rút ngắn thời gian kiểm soát chi tại cơ quan thanh toán xuống chỉ từ 1-3 ngày làm việc. Qua đó đã tạo cơ sở để Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh việc giao nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của chủ đầu tư và công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, đồng thời đã tích hợp 11 thủ tục hành chính lên cổng thông tin Dịch vụ công quốc gia; trong đó có thủ tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến nay đã đạt tỷ lệ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước; số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh hàng tháng trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt trên 99,6%.

Mặc dù đã thực hiện nhiều cải cách trong quy trình giải ngân vốn đầu tư như trên, về phía cơ quan kiểm soát thanh toán Kho bạc Nhà nước cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về nhân lực, hệ thống để tiếp nhận và xử lý ngay các hồ sơ giải ngân vốn cho các dự án, tuy nhiên vướng mắc lớn nhất hiện nay là các chủ đầu tư gửi hồ sơ đề nghị tạm ứng, thanh toán rất ít.

Số lượng hồ sơ thanh toán gửi đến Kho bạc Nhà nước ít chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, tổ chức đấu thầu, giải phóng mặt bằng... thuộc giai đoạn thực hiện dự án dẫn đến việc không có khối lượng hoàn thành để giải ngân. Các vướng mắc này đã được Tổ công tác của Chính phủ chỉ rõ và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ qua các đợt kiểm tra.

Phóng viên: Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 có yêu cầu các cơ quan chỉ ra những bất cập trong thực tiễn. Bộ Tài chính là tổ trưởng một trong 6 Tổ công tác của Chính phủ có thể chỉ ra những bất cập này?

Phó vụ trưởng Mai Thị Thùy Dương: Thực hiện Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số bộ, cơ quan, địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chủ trì kiểm tra, tổng hợp và có 3 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân; trong đó đã chỉ ra một số bất cập trong thực tiễn triển khai các dự án.

Qua kết quả 3 đợt kiểm tra của 6 Tổ công tác của Chính phủ; trong đó có Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Tài chính là tổ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp và xác định có 25 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau làm chậm tiến độ và đã phân thành 3 nhóm.

Nhóm liên quan đến thể chế, cơ chế chính sách, khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, lĩnh vực ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng, lĩnh vực đấu thầu, lĩnh vực đầu tư công. 

Nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện. Nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022. Trong các nhóm tồn tại nêu trên, Bộ Tài chính thấy rằng nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện là ảnh hưởng nhất đến quá trình triển khai các dự án, làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch giao, còn tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục", dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư (quyết định đầu tư các dự án) hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn Hiệp định, kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Cùng với đó, việc tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Việc tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng.

Một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt, hiệu quả; vẫn còn tình trạng phiền hà, xách nhiễu trong việc cấp phép các thủ tục để triển khai thi công và để nghiệm thu công trình. 

Thực tế quá trình tổng hợp, báo cáo tình hình giải ngân cũng như triển khai kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy, trong cùng hệ thống pháp luật, cùng điều kiện khó khăn chung về dịch bệnh, tăng giá vật liệu...nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt. Đó là do các bộ, địa phương này đã chủ động đề ra các giải pháp triển khai kế hoạch ngay từ khi xây dựng kế hoạch hàng năm.

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quán triệt nhiệm vụ tới từng cán bộ triển khai dự án, chú trọng đến kiểm tra, giám sát để chủ động, kịp thời xử lý vướng mắc, lựa chọn các nhà thầu thi công có năng lực, kinh nghiệm,... 

Phóng viên: Bộ Tài chính có đề xuất giải pháp gì khắc phục các bất cập để giải ngân vốn đầu tư công không trở thành điệp khúc "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"? 

Phó vụ trưởng Mai Thị Thùy Dương: Trên cơ sở xác định có 25 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc 3 nhóm vấn đề bất cập cản trở giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, ngày 15/9/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP. Tại Nghị quyết trên Chính phủ đã quy định nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ quản lý ngành cũng như các công việc yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện.

Về phía Bộ Tài chính với chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là về quy trình thủ tục thanh toán đã thực hiện đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán đến mức tối đa.   

Vì vậy, để giải ngân vốn đầu tư công không trở thành điệp khúc "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", Bọ Tài chính đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đã được quy định tại Nghị quyết số 124/NQ-CP. Các nhiệm vụ nêu trên nếu được triển khai đảm bảo đúng, đủ và kịp thời sẽ tạo ra sự chuyển biến lớn để khắc phục những bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục