Tạo "sức bật" cho thị trường ô tô Việt

08:04' - 01/10/2024
BNEWS Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Đào Công Quyết - Trưởng tiểu ban Truyền thông - Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) về các giải pháp tạo "sức bật" cho thị trường ô tô Việt Nam.
Những con số phản ánh doanh số bán xe ô tô tiếp tục sụt giảm của toàn thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy khó khăn vẫn đang "bủa vây" lĩnh vực này. Nhìn rộng ra toàn cảnh thị trường ô tô nhiều năm nay có thể nhận thấy khó khăn, thách thức đến từ cả yếu tố trong và ngoài nước đã níu kéo sự phục hồi của thị trường này và chỉ khi có những chính sách mới từ cơ quan chức năng hay các chương trình khuyến mại của doanh nghiệp thì thị trường mới "nhúc nhích" tăng.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đào Công Quyết - Trưởng tiểu ban Truyền thông - Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường ô tô tại Việt Nam thời gian qua và tác động của các chính sách thuế tới thị trường?

Ông Đào Công Quyết: Thị trường ô tô thời gian vừa qua rất khó khăn. Thông thường hàng năm, thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng từ 8 - 11%. Tuy nhiên, trong năm nay những tháng đầu năm đang bị giảm. Sáu tháng đầu năm tổng thị trường là khoảng 115.000 xe, so với năm trước giảm 6%. Còn riêng đối với dòng xe du lịch giảm đến 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường ô tô trầm lắng trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là tình hình kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam còn khó khăn. Tuy nhiên, có một lý do rất cụ thể và hiện hữu, đó chính là chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Về vấn đề này, thực ra hỗ trợ thuế trước bạ chỉ là hỗ trợ ngắn hạn nhưng có ảnh hưởng đến thị trường trong thời gian qua vì thông tin hỗ trợ lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước đã xuất hiện từ khoảng tháng 3 đã tạo cho khách hàng tâm lý chờ đợi.

Mặc dù chỉ có hỗ trợ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước nhưng tâm lý của khách hàng vẫn là chờ đợi bởi đây là khoản hỗ trợ rất lớn đối với khách hàng. Do đó, khách hàng vẫn chờ xem thế nào rồi mới quyết định mua xe. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa để có thể cung cấp cho thị trường nhưng cũng chưa lưu thông, nên cũng sẽ ách tắc cả nguồn tiền.

Hiện, chính sách hỗ trợ thuế trước bạ của Chính phủ đã được thông qua và đây là tín hiệu rất tích cực. Người dân sẽ quyết định mua sắm ngay và doanh nghiệp cũng bán được hàng. Đối với các doanh nghiệp thì giải tỏa áp lực về tồn kho, về dòng tiền, xây dựng lại chính sách kinh doanh, kế hoạch kinh doanh... và hy vọng thị trường sẽ phục hồi như năm 2023.

 
Phóng viên: Vậy đâu là những rào cản khiến thị trường ô tô Việt Nam chưa thực sự tăng trưởng như kỳ vọng, thưa ông?

Ông Đào Công Quyết: Rào cản thì có nhiều, nhưng thị trường ô tô Việt Nam rất có tiềm năng. Trong khối ASEAN thì chúng ta đứng thứ 3 chỉ sau Indonesia và Thái Lan. Trong khi đó, dân số của chúng ta là hơn 100 triệu dân, thu nhập bình quân cũng đạt hơn 4.000 USD/người/năm. Nếu thu nhập bình quân của người dân đạt trên 3.000 USD thì chúng tôi có khái niệm gọi là "ô tô hóa". "Ô tô hóa" tức là ô tô đến với mọi nhà.

Tuy nhiên những khó khăn thì vẫn còn rất nhiều. Thứ nhất là quy mô của thị trường Việt Nam vẫn còn đang rất nhỏ so với các nước khu vực, so với Indonesia, so với Thái Lan thì cũng rất là nhỏ. Thứ hai về quy mô sản xuất và chi phí sản xuất của chúng ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Chi phí sản xuất của Việt Nam đang cao hơn khoảng 20% so với các nước như Thái Lan, Indonesia. Thứ ba là vì quy mô thị trường nhỏ và chi phí cao, cho nên lượng nhà cung cấp phụ trợ vào Việt Nam còn rất thấp. Hiện nay, Việt Nam mới được gần 500 nhà cung cấp, trong khi đó ở Thái Lan là gần 3.000 nhà cung cấp và Indonesia đạt gần 1.000 nhà cung cấp phụ trợ cho ngành sản xuất ô tô.

Cho nên thị trường ô tô Việt Nam vẫn chỉ đang ở giai đoạn duy trì chứ chưa bước sang một giai đoạn gọi là phát triển. Chính vì thế chúng tôi cũng đã có những đề nghị với Chính phủ làm sao để tạo cho thị trường ô tô Việt Nam có cơ hội để phát triển, bằng các chính sách về thuế và các chính sách phí, lệ phí phù hợp hơn.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường xe điện Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ thời gian qua, nhưng chưa thực sự tương xứng tiềm năng phát triển. Theo ông đâu là những nút thắt cần tháo gỡ để thị trường xe điện Việt Nam phát triển hơn trong tương lai?

Ông Đào Công Quyết: Thị trường ô tô Việt Nam trung bình một năm tăng trưởng từ 8 - 10%. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa rồi thì chưa đạt được như mong đợi. Chúng ta bước vào thời kỳ "ô tô hóa" và thị trường xe điện sẽ có cơ hội phát triển khi hội tụ được những yếu tố về chính sách, về thị trường phù hợp. Chuyển đổi sang xe điện là một xu hướng chung của thế giới và chúng tôi cũng đã đề nghị với các cơ quan quản lý nhà nước với những chính sách để làm sao có thể phát triển được thị trường này. Tuy nhiên, để phát triển được xe điện thì cần đòi hỏi rất nhiều yếu tố; trong đó quan trọng nhất chính là hạ tầng, hệ thống trạm sạc đòi hỏi đầu tư rất lớn.

Bên cạnh đó, nguồn điện vẫn còn sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì cũng chưa phải là "xanh". Do vậy, cơ cấu nguồn điện của Việt Nam rất quan trọng. Và một điểm nữa là tâm lý của người tiêu dùng. Đồng thời, các vấn đề liên quan đến an toàn sẽ là mối quan tâm lớn, kể cả trên thế giới.

Phóng viên: Vậy ông đánh giá thế nào về triển vọng của thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian tới và cần giải pháp gì để tạo sức bật cho thị trường này?

Ông Đào Công Quyết: Như tôi cũng đã đề nghị, cần một chính sách ổn định và Chính phủ cũng nên xem lại cho tất cả những chính sách về thuế và phí, làm sao để vừa ổn định nguồn thu ngân sách, lại vừa hỗ trợ cho thị trường ô tô phát triển.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục