Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tra cứu, xác định nguồn gốc hàng hóa

18:27' - 26/07/2018
BNEWS Chiều 26/7, Tổng cục Hải Quan (Bộ Tài chính) tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan họp báo chuyên đề giới thiệu Thông tư 38/2018/TT-BTC xác định xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Nhất Kha, Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý (Tổng cục Hải Quan) cho biết, Thông tư 38 là văn bản pháp lý quan trọng quy định cụ thể, thống nhất và minh bạch về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đây là lần đầu tiên lĩnh vực xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có một "đầu mối" văn bản riêng, qua đó giúp cơ quan hải quan và doanh nghiệp thuận lợi trong việc tra cứu, xác định nguồn gốc hàng hóa.

“Việc ban hành Thông tư này cũng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và áp dụng ưu đãi thuế quan theo đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, ông Nguyễn Nhất Kha nhấn mạnh.

Theo bà Hoàng Thị Thủy, Trưởng phòng Giám sát, quản lý xuất xứ hàng hóa và sở hữu trí tuệ - Cục Giám sát Quản lý (Tổng cục Hải Quan), Thông tư 38 quy định cụ thể hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các trường hợp không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các chừng từ phải nộp khác để chứng minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...

Thông tư này có 10 nội dung mà các doanh nghiệp cần lưu ý, chẳng hạn như quy định cụ thể hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 3).

Theo đó, hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm: đơn đề nghị xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại mẫu số 01/CT/XĐTXX/GSQL Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 38/2018/TT-BTC; bản kê nguyên liệu, vật tư dùng để sản xuất hàng hóa gồm các thông tin: tên hàng, mã số hàng hóa, xuất xứ nguyên liệu, vật tư cấu thành sản phẩm, giá CIF hoặc giá tương đương của nguyên liệu, vật tư do nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu cung cấp: 01 bản chụp; bản mô tả sơ bộ quy trình sản xuất hàng hóa hoặc Giấy chứng nhận phân tích thành phần do nhà sản xuất cung cấp: 01 bản chụp và Catalogue hoặc hình ảnh hàng hóa: 01 bản chụp.

Thông tư cũng quy định cụ thể các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Điều 4); Quy định cụ thể danh mục hàng hóa nhập khẩu phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan đối với 3 mặt hàng thịt và các sản phẩm từ thịt, than và ô tô (khoản 2 Điều 4); Quy định cụ thể việc xử lý các trường hợp không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Điều 4); Quy định cụ thể người khai hải quan phải khai số tham chiếu, ngày cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan điện tử và tờ khai hải quan giấy để được xem xét áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt (Điều 5)…..

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 23 của Thông tư này, trường hợp một lô hàng đưa từ nước ngoài vào kho ngoại quan để nhập khẩu vào nội địa nhiều lần thì được sử dụng C/O để lập Phiếu theo dõi trừ lùi cho từng lần nhập khẩu vào nội địa và được áp dụng trừ lùi tại nhiều Chi cục Hải quan khác nhau. Quy định này tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ kho ngoại quan vào nội địa.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/6/2018./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục