Tạo “vùng xanh” để không đứt gãy chuỗi sản xuất

22:05' - 18/08/2021
BNEWS Các ngành và địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo các “vùng xanh” giúp doanh nghiệp sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa được thuận lợi.

Để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng dẫn tới thiếu hụt hàng hóa trong tiêu dùng và xuất khẩu, các ngành và địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo các “vùng xanh” giúp doanh nghiệp sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa được thuận lợi.

Ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nhằm ổn định hoạt động sản xuất trong tình hình mới, Tp. Hồ Chí Minh đã đưa ra 4 phương án sản xuất tại chỗ để doanh nghiệp lựa chọn.

Cụ thể, phương án 1 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt gồm: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất. Phương án 2 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện phương án "1 cung đường, 2 địa điểm” hoặc phương án "1 cung đường, 2 địa điểm mở rộng”.

Phương án 3 doanh nghiệp có thể kết hợp cả 2 phương án sản xuất theo mô hình sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”. Phương án 4, doanh nghiệp tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh" gồm: nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh.

Theo đó, người lao động xanh được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa nơi làm việc xanh, nơi ở xanh theo một cung đường xanh nhưng không được dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao trong các khung giờ phù hợp.

Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh bày tỏ, sau thời gian hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" kéo dài, nhiều doanh nghiệp muốn ngừng vì việc này chi phí phát sinh và có nhiều bất cập. Vì vậy, Sở Công Thương đã kiến nghị điều chỉnh phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” thành “1 cung đường, nhiều điểm đến “vùng xanh”.

Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất tại “vùng xanh” cho phép cơ sở hoạt động trở lại, không cần áp dụng phương án “3 tại chỗ” với điều kiện chỉ được sử dụng người lao động có nơi ở tại “vùng xanh”; đồng thời, cam kết về việc tổ chức xe đưa đón “1 cung đường”, tuyệt đối không dừng ngoài các điểm đăng ký.

Ngoài ra, với các cơ sở sản xuất tại vùng có nguy cơ cao hoặc thuộc khu vực cách ly được xem xét áp dụng linh hoạt phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, nhiều điểm đến “vùng xanh”, hay linh động kết hợp cả hai phương án.

Do đó, cho phép công nhân đươc lưu trú ở các điểm tập trung khác nhau “vùng xanh”, tổ chức xe đón tại các điểm, tuyệt đối không dừng ngoài các điểm đăng ký. Đáng lưu ý, tỉnh Đồng Nai đang thiết lập các “vùng xanh” phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, chính quyền địa phương cũng đẩy nhanh tiêm chủng vaccine cho người lao động.

Về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa được thuận lợi, ông Phan Bình Tuy, Phó trưởng Phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan Tp.Hồ Chí Minh cho hay, cảng Cát Lái cũng đang thiếu hụt nhân sự, nhân công hỗ trợ bốc xếp hàng dẫn đến tình trạng một số tàu nhập cảng thiếu người bốc dỡ hàng hóa.

Điều này khiến cho tiến độ giao hàng bị chậm trễ, hãng tàu bị phạt, chi phí tăng. Quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa bị gián đoạn, tồn kho chưa được giải phóng làm dòng vốn bị ách tắc... cũng trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.

Theo ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa là rất cao. Trước vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn chấp nhận doanh nghiệp nộp bản scan làm chứng từ hải quan và sau đó bổ sung bản chính. Trước đây, thủ tục này doanh nghiệp phải nộp bản chính.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo hải quan địa phương thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như đảm bảo thông quan hàng hóa ngay trong ngày.

Cùng với đó, UBND thành phố Tp. Hồ Chí Minh cũng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Giao thông Vận tải, Công an, Y tế xây dựng luồng tuyến ưu tiên cho các xe vận chuyển hàng hóa lưu thông ở các chốt kiểm soát dịch bệnh tại địa phương, tránh ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển, nhất là mặt hàng thực phẩm.

Đối với việc xử lý tình huống thiếu hụt các nguyên, phụ liệu sản xuất, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải pháp xử lý tạm thời trong thời gian ngắn để cho phép doanh nghiệp có thể thay đổi nguyên liệu, tỷ lệ nguyên liệu, nhưng chất lượng không thay đổi và được sử dụng bao bì hiện tại để giảm chi phí sản xuất.

Cùng với đó, hệ thống ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp lương thực, thực phẩm và các doanh nghiệp sản xuất vật tư tiêu hao phục vụ ngành y tế trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh miễn, giảm lãi suất vay và cho vay mới với hạn mức tín dụng cao hơn.

Ngoài ra, đẩy nhanh giải ngân cũng như điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70 - 85%. Qua đó, giảm áp lực cho doanh nghiệp phải tìm thêm tài sản thế chấp.

Về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến”, Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành hướng dẫn thống nhất chung về tiêu chí chủ yếu bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong tất cả lĩnh vực sản xuất kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục