Đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước

17:08' - 18/08/2021
BNEWS UBND tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Theo văn bản số 4914/UBND-KTTH về đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 của UBND tỉnh Quảng Nam (nơi có nhà của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải - THACO đóng trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai), đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực kinh tế.

Đặc biệt từ giữa tháng 5/2021 trở lại đây, đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan rộng và đang diễn biến hết sức phức tạp tại hầu hết các tỉnh thành trọng điểm trên cả nước, trong đó có nhiều tỉnh thành là nơi tiêu thụ ô tô lớn đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô.

Trong khi đó, một số chính sách do Chính phủ ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đã hết hiệu lực, gồm Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, Nghị định 41/2020/ND-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị định 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước để duy trì và phát triển sản xuất, việc làm, thu nhập cho người lao động trong đại dịch COVID-19 và đảm bảo nguồn thu ngân sách cho nhà nước, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết một số nội dung.

Thứ nhất, cho phép gia hạn Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP cho giai đoạn từ sau năm 2022.

Đồng thời điều chỉnh giảm quy định sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu trong năm 2021 và năm 2022 đối với các nhóm: xe chở người từ 9 chỗ trở xuống, dung tích xi lanh từ 2.500cc trở xuống; xe minibuyt; xe buýt/xe khách để khuyến khích đầu tư và chuyển giao công nghệ, nâng dần vị thế của ngành công nghiệp ô tô.

Thứ hai, đề nghị tiếp tục áp dụng chính sách về giãn, hoãn các khoản phải nộp, cụ thể là cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước cho một khoảng thời gian phù hợp, tùy theo diễn biến của dịch bệnh COVID-19.

Thứ ba, hai tỉnh đề nghị tiếp tục áp dụng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. 

Thứ tư, hai tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ sớm điều chỉnh giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng hàm lượng giá trị gia tăng trong nước (tỷ lệ nội địa hóa) được khấu trừ vào giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Riêng trong văn bản của UBND tỉnh Ninh Bình (nơi có nhà máy của Công ty Thành Công Motor), tỉnh này kiến nghị cho phép các doanh nghiệp thành lập mới được tham gia vào Chương trình ưu đãi thuế mà không cần xem xét tiêu chí về sản lượng tối thiếu trong 3 năm đầu tiên, khi các doanh nghiệp này đáp ứng được điều kiện có quy mô đâu tư trên 3.000 tỷ đồng trở lên và có giấy chứng nhận đăng ký chuyên giao công nghệ từ nhà sản xuất nước ngoài theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cùng với đó, cho phép các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty (gọi chung là Tổng công ty) có vốn điêu lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên tham gia góp vốn hoặc mua cổ phần trên 35% của từng Công ty sản xuất, lắp ráp ô tô (gọi chung là Công ty nhận vốn góp) và đến ngày cuối cùng của kỳ xét ưu đãi, một trong số các công ty nhận vốn góp hoặc Tổng công ty đạt điều kiện ưu đãi của Chương trình ưu đãi thuế thì các công ty nhận vốn góp còn lại hoặc Tổng công ty không phải đáp ứng điều kiện về sản lượng trong cùng kỳ xét ưu đãi của Chương trình ưu đãi thuế nếu các xe sản xuất lắp ráp của các công ty nhận vốn góp hoặc của Tổng công ty cùng nhóm xe của công ty đạt điều kiện hưởng ưu đãi.

Đối với phân khúc xe buýt, xe khách, đề nghị xem xét điều chỉnh mức sản lượng chung tối thiểu 360 xe theo quy định hiện nay xuống còn 300 xe; và sản lượng riêng tối thiểu cho một mẫu xe hoặc tổng sản lượng riêng tối thiểu cho 2 mẫu xe điều chỉnh từ 200 xe hiện nay xuống còn 150 xe.

Trước đó, tỉnh ủy Hải Dương cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất ô tô, trong đó có nhà máy của Ford Việt Nam.

Theo Tỉnh ủy Hải Dương, ngành công nghiệp ô tô luôn là ngành mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP của các nước lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, ngành ô tô cũng chiếm tới 3% GDP cả nước. Hiện nay Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện cho sản xuất lắp ráp là một trong những ưu đãi đặc biệt và quan trọng nhất cho các nhà sản xuất ô tô.

Trong bối cảnh Việt Nam đang dần mở cửa thị trường cho xe nhập khẩu nguyên chiếc từ nhiều quốc gia trên thế giới theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, việc tiếp tục gia hạn Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô là cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô đưa ra được phương án kinh doanh và lộ trình ra mắt sản phẩm, Chính phủ cần xem xét ban hành chính sách (nên có tối thiểu 1 năm trước khi có hiệu lực). Việc ban hành những chính sách có tác động lớn có hiệu lực ngay sẽ gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc định hướng kinh doanh.

Sau khi nhận đề nghị của các tỉnh, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5586/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị, đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước ở bối cảnh dịch COVID-19, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2021.

Trước đó, tại kiến nghị của tỉnh ủy Hải Dương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô (Chương trình ưu đãi thuế) quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP trong giai đoạn qua; nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, trong đó bao gồm cả việc xem xét khả năng tiếp tục gia hạn Chương trình ưu đãi thuế cho giai đoạn tiếp theo (sau năm 2022), báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục