Không dễ cổ phần hóa các Tập đoàn, Tổng công ty

16:46' - 24/12/2015
BNEWS Theo báo cáo của Bộ Công Thương, việc cổ phần hóa các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước gặp khó khăn do tính đặc thù cao và phải chịu sự điều tiết của Nhà nước trong định giá sản phẩm.
Tập đoàn dầu khí Việt Nam khó tìm được các nhà đầu tư chiến lược phù hợp cho quá trình cổ phần hóa các công ty thành viên. Ảnh: TTXVN

Theo đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), việc tìm kiếm cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực như công nghiệp điện, khí, dịch vụ dầu khí hay hóa dầu... là rất khó, do nguồn vốn lớn, cùng với tỷ lệ nắm giữ của PVN cao dẫn đến tâm lý cho rằng việc cổ phần hóa thực chất không thay đổi nhiều về phương diện quản lý doanh nghiệp.

Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chia sẻ, việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng đối với 3 Tổng công ty thuộc TKV có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng đạt tỷ lệ thấp, không thu hút được nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư mua số lượng lớn, do tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại các đơn vị này đều ở mức 98-99% vốn điều lệ trở lên.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị "Tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc bộ giai đoạn 2011-2015, kế hoạch 2016-2020," do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24/12.

Ông Phan Đăng Tuất, Phó trưởng ban thường trực Ban đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho biết các nhà đầu tư chiến lược vẫn chủ yếu là nhà đầu tư trong nước chứ chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương. 

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp; trong đó tập trung vào các vấn đề tài chính, định giá tài sản, mô hình quản lý sau khi cổ phần hóa, việc thực hiện các báo cáo một cách minh bạch, ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược

Riêng đối với ngành điện, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho hay, do quy mô các Tổng công ty phát điện (GENCO) quá lớn nên việc tìm kiếm người mua hết số cổ phần muốn bán là không đơn giản. Đặc biệt, việc sắp xếp lại lao động dôi dư cũng là một thách thức không nhỏ.

Ngành điện cũng gặp khó trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Về khó khăn này, ông Phan Đăng Tuất cũng thừa nhận, nhiều công ty con của Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí… có giá trị lên đến hàng tỷ USD nên gặp khó khăn trong thu hút vốn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, bộ sẽ mời các nhà đầu tư lớn, uy tín, các tổ chức thương mại, công nghiệp của các quốc gia, tổ chức lớn như Mỹ, châu Âu, hay JICA để cùng tổ chức hội nghị, mời các doanh nghiệp tham gia. Hi vọng quá trình cổ phần hóa các tập đoàn lớn trong giai đoạn tới sẽ được thực hiện tốt.

Tính trong cả giai đoạn 2011-2015, đã có 15 doanh nghiệp ngành công thương được sắp xếp hoặc cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, số các đơn vị có nhà đầu tư chiến lược gồm Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Tổng công ty Máy động lực và máy Nông nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thực phẩm và Đầu tư công nghệ Focover.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, sau khi hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2015, Bộ Công Thương còn quản lý 4 Tập đoàn kinh tế là: Dầu khí, Điện lực, Than - Khoáng sản, Hóa chất và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.

Đối với 4 Tập đoàn kinh tế, Bộ sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa và tái cơ cấu theo chỉ đạo hoặc ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Riêng với Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ xây dựng kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa các đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty và công ty mẹ trong giai đoạn 2016-2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị, cần có cơ chế, chính sách tài chính để giúp các doanh nghiệp quy mô lớn thực hiện thuê tư vấn tìm kiếm đối tác chiến lược, quảng bá doanh nghiệp không chỉ trong nước mà cả nước ngoài để thu hút khối ngoại mua cổ phần; đồng thời, xem xét nghiên cứu sửa đổi để giảm tỷ lệ nắm giữ của nhà nước đối với một số lĩnh vực hiện nay nhà nước đang nắm giữ tỷ lệ cao…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục