Tập đoàn Đèo Cả tìm hướng đi mới trong huy động vốn dự án cao tốc

17:40' - 17/09/2021
BNEWS Khi dịch COVID-19 mới chớm có dấu hiệu xuất hiện tại Việt Nam, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động tái cấu trúc lại bộ máy quản trị của doanh nghiệp trên quan điểm “chủ động thay đổi để thích nghi”.

Tại lễ ký kết hợp đồng dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo hình thức PPP (hợp tác công tư) có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng diễn ra cuối tháng 7/2021 vừa qua, Tập đoàn Đèo Cả - đại diện Liên danh nhà đầu tư dự án này đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp để tìm nguồn vốn tín dụng cho dự án.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự chủ động của nhà đầu tư để không phụ thuộc vào nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng được xem là nhân tố tích cực để các dự án PPP có khả năng triển khai nhanh; trong đó có dự án PPP cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một ví dụ.

Cụ thể Tập đoàn Đèo Cả đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét lại hồ sơ mời thầu xác định tiêu chí vốn đầu tư từ nhiều hình thức như cổ phiếu, phát hành trái phiếu, hợp đồng hợp tác kinh doanh… không phụ thuộc vào tín dụng.

Ngoài ra, đơn vị này đã đề nghị các tổ chức tín dụng giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ… theo điều kiện dịch bệnh, giãn cách xã hội hiện nay.

Tuy thời gian đàm phán hợp đồng BOT kéo dài hơn các dự án khác, nhưng Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã khẳng định tại buổi lễ ký kết hợp đồng: “Nhà đầu tư BOT rất chuyên nghiệp trong đàm phán, chúng tôi đánh giá cao. Đấu thầu dự án này, đã chọn ra phương án tiết giảm 891 tỷ đồng. Đó là cảm hứng tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn để thực hiện thành công mục tiêu hoàn thành 5.000 km trong 10 năm tới”.

Ông Phan Văn Thắng, Tổng giám đốc dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết: “Để đảm bảo tiến độ dự án và ứng phó với những khó khăn chung như dịch bệnh, vật liệu khan hiếm, giá tăng phi mã… chúng tôi chủ động điều động các nhân sự có kinh nghiệm đã được tiêm chủng vaccine, huy động các trang thiết bị để tổ chức thi công hầm từ trước, đào phá đá trong hầm để nghiền sàng thành cấp phối, cát… khảo sát lựa chọn các mỏ vật liệu đảm bảo chất lượng ngay từ khi tham gia đấu thầu tránh làm tăng tổng mức đầu tư của dự án”.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, nguyên Chủ tịch LietvietPostbank, TS. Nguyễn Đức Hưởng nhận xét, việc Tập đoàn Đèo Cả tiết giảm hơn 800 tỷ đồng, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tận dụng đá nổ mìn tại Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là việc “ích nước – lợi nhà”, giúp hài hòa được lợi ích nhà nước, nhà đầu tư”.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, trong bối cảnh chính sách hiện nay còn nhiều bất cập và rủi ro, ngân hàng và các tổ chức tín dụng còn e ngại trước các dự án BOT, việc Tập đoàn Đèo Cả, đã chủ động tìm hướng đi mới khi thu xếp nguồn vốn, để xác định không phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay của các ngân hàng thương mại bằng nhiều hình thức như phát hành trái phiếu, tăng vốn thông qua thị trường chứng khoán, hợp đồng hợp tác đầu tư (BBC) … là hướng đi đúng đắn.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, với cơ chế “Liên thông để tạo ra giá trị xã hội”, ngoài việc liên thông giữa các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, liên thông giữa nhà nước và nhà đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả còn quan tâm tới việc kết nối các lĩnh vực có lợi ích liên quan tới dự án, qua đó kêu gọi các nhà đầu tư khác như bất động sản, đô thị công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, logistics… cùng tham gia góp vốn làm công trình giao thông.

Đây cũng là những phương án đang được áp dụng tại các dự án mới mà Đèo Cả đang đầu tư hoặc đề xuất đầu tư như Tân Phú - Bảo Lộc, Đồng Đăng - Trà Lĩnh…

Hiện nay, ngoài việc kiện toàn tổ chức và phát triển đầu tư các dự án mới, Tập đoàn Đèo Cả vẫn đang đảm bảo tiến độ cho các công trình đang thi công như cao tốc Trung lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang), cầu Cửa Lục 1, hầm Bao Biển (Quảng Ninh), hầm Thung Thi (Thanh Hóa)…

TS. Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, trong khó khăn nhiều bề, Tập đoàn Đèo Cả vẫn dành sự quan tâm đến phát triển nhân tố con người. Có hai quan điểm về chiến lược của các doanh nghiệp, thứ nhất là “vừa chạy vừa xếp hàng”, hai là “xếp hàng để chạy”. Hiện nay, Đèo Cả đã “xếp hàng” ngay ngắn để sẵn sàng tăng tốc.

Trước đó minh chứng cho việc biết biến “nguy” thành “cơ” tạo ra cơ hội mới bằng lối đi khác biệt của Tập đoàn Đèo Cả đã được thực hiện thông qua các cuộc giải cứu thành công ở các dự án đường cao tốc theo hình thức PPP, hợp đồng BOT như: Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận…

Nhiều các chuyên gia kinh tế có cùng quan điểm, rồi đại dịch cũng sẽ lùi lại phía sau, nhưng quan trọng là doanh nghiệp Việt sẽ bước qua cơn khủng hoảng đó như thế nào. COVID-19 khiến người ta gợi nhớ lại cuộc suy thoái kinh tế khủng hoảng kinh tế Đông Nam Á năm 1997 hay suy thoái tài chính thế giới 2008.

Vì vậy, TS. Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ: “Kinh nghiệm cho thấy, khi thị trường suy thoái, các ngành bị đình đốn sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ tạo việc làm ngay tức thời cho nhiều lao động mất việc do đại dịch. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, đây chính là thời điểm “biến nguy thành cơ”, vượt qua những khó khăn trước mắt để tạo ra cơ hội phát triển tổ chức cũng đồng nghĩa là thời cơ phát triển đất nước”.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, khi dịch COVID-19 mới chớm có dấu hiệu xuất hiện tại Việt Nam, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động tái cấu trúc lại bộ máy quản trị của doanh nghiệp trên quan điểm “chủ động thay đổi để thích nghi”.

Có 3 tuyến phòng thủ cho hệ thống kiểm soát của Tập đoàn Đèo Cả đặt ra là : Kiểm soát - Tiền kiểm; Quản lý chất lượng, rủi ro và kiểm soát tài chính - Hậu kiểm; Tuyến phòng thủ thứ ba là kiểm toán nội bộ - Phúc kiểm.

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết: “Việc tạm ngừng thu phí là giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, chúng tôi hoàn toàn đồng tình ủng hộ. Việc này đã nằm trong dự tính. Chúng tôi đã chủ động làm việc với các ngân hàng, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất điều chỉnh phương án tài chính phù hợp, không ảnh hướng đến dự án”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục