Tập đoàn mẹ của Uniqlo “vượt bão” nhanh nhờ thị trường châu Á

14:56' - 03/06/2020
BNEWS Fast Retailing (Nhật Bản), tập đoàn nắm quyền sở hữu thương hiệu Uniqlo đã vượt bão nhanh hơn các đối thủ nhờ thị trường châu Á.

Đại dịch COVID-19 đang đè nặng lên ngành thời trang toàn cầu, khiến doanh thu thiệt hại hàng trăm tỷ USD và khiến nhiều tên tuổi lớn trong ngành như J.Crew phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản.

Dù không một công ty thời trang lớn nào thoát khỏi tầm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Fast Retailing (Nhật Bản), tập đoàn nắm quyền sở hữu thương hiệu Uniqlo và không cách quá xa hãng thời trang lớn thứ hai thế giới là H&M về mặt doanh thu, lại có vẻ ứng phó với khủng hoảng tốt hơn so với các đối thủ.

Dưới sự dẫn dắt của Tadashi Yanai, người đàn ông giàu nhất Nhật Bản, Fast Retailing đã phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc với 750 cửa hàng Uniqlo stores, gần bằng con số ở thị trường quê nhà.

Trung Quốc đại lục đã gần như khống chế được sự lây lan của dịch COVID-19 và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự đoán sẽ phục hồi nhanh hơn so với các nước khác sau đại dịch.

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở châu Á và cũng là những thị trường quan trọng của Fast Retailing như Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng thành công hơn các nước phương Tây trong việc khống chế dịch bệnh.

Châu Á chiếm đến 75% doanh thu hàng năm của Uniqlo và chỉ riêng Trung Quốc Mở Rộng (bao gồm cả Hong Kong, Macau và vùng lãnh thổ Đài Loan) đã chiếm đến 20%.

Ngược lại, các đối thủ tập trung chủ yếu vào thị trường Mỹ như Gap Inc hoặc phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường châu Âu như H&M và Inditex, chủ sở hữu thương hiệu Zara và cũng là người dẫn đầu ngành thời trang thế giới, lại được dự đoán sẽ phải chịu tình trạng sa sút kéo dài hơn.

Khu vực châu Á và châu Đại Dương chỉ chiếm 15% doanh thu hàng năm của H&M, trong khi đối với Zara, khu vực “châu Á và phần còn lại” chiếm 23% doanh thu.

GlobalData dự báo thị trường thời trang toàn cầu sẽ bị thiệt hại về doanh thu 297 tỷ USD trong năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó thị trường Mỹ chiếm 42% con số này.

Trong số 2.260 cửa hàng trên toàn cầu của Uniqlo, hãng này chỉ có 51 cửa hàng ở thị trường Mỹ.

Việc không thể lấn sâu vào thị trường thời trang lớn nhất thế giới này lâu nay vẫn được xem là “gót chân Asin” của Uniqlo, nhưng trong thời điểm hiện nay, đây dường như lại là một điều may mắn.

Theo nhiều chuyên gia, những sản phẩm tốt bền và “đáng đồng tiền” của Uniqlo như áo sơ-mi Oxford, quần chino và đồ lót có thể phù hợp với người tiêu dùng trong thời kỳ khó khăn do thu nhập giảm và nguy cơ mất việc cao, hơn là những mặt hàng áo quần chạy theo xu hướng của Zara và H&M.

Dù Fast Retailing hồi tháng Tư cảnh báo lợi nhuận hoạt động của tập đoàn có thể giảm 44% trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng Tám năm nay, nhiều chuyên gia dự đoán “ông lớn” này sẽ nhanh chóng phục hồi, nếu các thị trường chủ chốt của hãng đều không bùng phát đợt lây nhiễm dịch bệnh thứ hai.

Sự phát triển nhanh chóng đã đưa Fast Retailing lên gần như ngang hàng với H&M. Năm 2019, hãng thời trang của Nhật Bản này thậm chí còn đạt lợi nhuận cao hơn, với thu nhập ròng khoảng 1,5 tỷ USD, so với con số 1,4 tỷ USD của chuỗi thời trang đến từ Thụy Điển, dù doanh thu thấp hơn.

Và dù vẫn còn cách khá xa so với mức doanh thu hàng năm 31 tỷ USD của Inditex, nhưng mục tiêu đưa Fast-Retailing thành nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới của Yanai dường như đã bớt xa vời hơn trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa mục tiêu nói trên, giới phân tích cho rằng Uniqlo sẽ phải gia tăng thị phần ở Mỹ với những sản phẩm phong cách hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục