Tập hợp các ý kiến về mức độ cần thiết của chỉ số quan hệ lao động với chỉ số PCI

14:25' - 27/12/2018
BNEWS Ngày 27/12, tại Hà Nội, VCCI phối hợp với Tổ chức Lao động thế giới (ILO) tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến lồng ghép các chỉ số đánh giá quan hệ lao động và kỹ năng nghề vào điều tra PCI
Tọa đàm tham vấn ý kiến lồng ghép các chỉ số đánh giá quan hệ lao động và kỹ năng nghề vào điều tra PCI.Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Ngày 27/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Lao động thế giới (ILO) tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến lồng ghép các chỉ số đánh giá quan hệ lao động và kỹ năng nghề vào điều tra PCI, với sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp.

Nội dung chủ yếu của tọa đàm nhằm tập hợp các ý kiến đánh giá về mức độ cần thiết của các chỉ số đánh giá quan hệ lao động và kỹ năng nghề trong mối tương quan với kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà VCCI đang tiến hành thường niên. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các khuyến nghị về cách thức hiệu quả nhất khi lồng ghép các thông tin đánh giá về quan hệ lao động, chính sách tiền lương, kỹ năng nghề nghiệp trong phiếu điều tra, khảo sát doanh nghiệp...

Đại diện VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế cho biết, việc lồng ghép các chỉ số đánh giá quan hệ lao động, kỹ năng nghề vào các cuộc khảo sát PCI là vấn đề mới và cũng là để thêm một góc nhìn khác về hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp. Trên thực tế, dữ liệu về lao động của doanh nghiệp có rất nhiều và được các bộ, ngành tiến hành nghiên cứu thường xuyên. Tuy nhiên, kết quả dữ liệu rất ít được sử dụng, trong khi có giá trị to lớn và rất hữu dụng để phản ánh thực trạng và tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Qua nhiều năm tiến hành điều tra PCI, ông Tuấn cho hay, đây là một nghiên cứu có chất lượng, có khả năng thương mại hóa, được các tổ chức thế giới, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá rất cao; thậm chí, tầm ảnh hưởng ngày càng sâu, rộng, tạo sức lan tỏa tới nhiều địa phương, mang lại sự đổi mới diện mạo kinh tế xã hội của nhiều địa phương.

Do đó, việc lồng ghép các chỉ số đánh giá quan hệ lao động và các phiếu khảo sát PCI là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề chỉ là phân bố liều lượng, số câu hỏi và nội dung hỏi sao cho hợp lý. Bởi chính quá trình tiến hành điều tra PCI cho thấy VCCI đang phải đối mặt với vấn đề khó là khi câu hỏi càng nhiều, nội dung càng chi tiết, kỹ càng thì tỷ lệ phản hồi càng ít.

Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, cho biết, báo cáo lồng ghép việc đánh giá quan hệ và kỹ năng lao động vào điều tra PCI được chuẩn bị công phu, đã đánh giá được toàn diện mọi vấn đề cần và đủ, mức độ cấp thiết và sự ảnh hưởng, tác động tới môi trường kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc lựa chọn các tiêu chuẩn của OECD vào đánh giá kết quả nghiên cứu sẽ là rất khó khăn để so sánh. Trong số nội dung sẽ được tiến hành khảo sát cần bổ sung thêm nội dung về chất lượng thực hiện thỏa ước lao động; các quy chế lao động hay vấn đề đình công....sẽ ảnh hưởng và tác động thế nào tới doanh nghiệp.

Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh cho rằng, cần cân nhắc kỹ mẫu thiết kế các câu hỏi của điều tra PCI khi muốn lồng ghép thêm các vấn đề liên quan tới quan hệ lao động. Việc bổ sung thêm nhiều câu hỏi như vậy liệu có khả thi hay không và vấn đề gia tăng chi phí trong quá trình tiến hành điều tra liệu có trở thành trở ngại hay không.

Ông Vinh cũng khuyến cáo vấn đề lao động, tiền lương hay kỹ năng nghề được đưa vào để khảo sát doanh nghiệp là rất quan trọng, tuy nhiên, cần cân đối liều lượng câu hỏi để đạt được tỷ lệ tối đa doanh nghiệp trả lời; cần cơ cấu sao cho phù hợp với tổng thể các vấn đề và câu hỏi khác mà PCI hàng năm đã đề cập. Có như vậy, các cuộc điều tra PCI hàng năm mới đem lại giá trị cao, sát thực tiễn của doanh nghiệp và nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục