Tấp nập dòng người đội mưa về phiên chợ “Mua may, bán rủi”

21:18' - 22/02/2018
BNEWS Đã thành thông lệ, cứ vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Riêng hàng năm, phiên chợ một năm chỉ họp một lần duy nhất tại Nam Định lại tấp nập dòng người nô nức kéo về “Mua may, bán rủi”.
Hàng năm, nhiều du khách về dự phiên chợ “Mua may, bán rủi”. Ảnh: TTXVN

Phiên chợ từ lâu đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật và cũng là nơi đón chuyến xuất hành đầu Xuân của khách thập phương...

Ngay từ chiều mùng 7 Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trên các nẻo đường về chợ Viềng tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã tấp nập du khách. Ai cũng vui tươi, háo hức được tham dự phiên chợ, một nét văn hóa đặc trưng của cư dân nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng khi chủ yếu bày bán các loại nông cụ, các loại cây trồng và đồ cổ, đồ cũ.

Nét đặc trưng của chợ Viềng là người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả. Dường như ai đến với chợ Viềng cũng đều đinh ninh một ý niệm "Mua may bán rủi" cho năm mới được bình an, may mắn. Những người làm nông nghiệp đến với phiên chợ thường chọn mua cho mình những vật dụng như: cuốc, xẻng, quang thúng, đòn gánh… Những du khách từ các nơi thì chọn mua các loại đồ giả cổ hay chỉ đơn giản là một vài loại cây như: chanh, táo, sung, hoa hải đường để cầu mong may mắn.

Chị Đỗ Thanh Trang, du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm nào chị và người thân cũng tới chợ Viềng để du Xuân. Năm nay, chị Trang chọn mua cây sung với mong muốn một năm mới gia đình gặp nhiều may mắn, sung túc vẹn toàn.

Càng về đêm, lượng người đổ về chợ Viềng mỗi lúc một đông. Du khách đến từ khắp các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình… Các gian hàng bán cây cảnh được du khách đặc biệt chú ý. Cây cảnh được bày bán ở đây có đủ mọi kích cỡ, kiểu dáng đến từ các làng trồng cây cảnh nổi tiếng tại Nam Định như: Nam Phong, Nam Điền, Nam Toàn, Hải Sơn...

Ông Trần Tiến Dũng, chủ gian hàng hoa hải đường tới từ huyện Nam Trực cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây năm nào ông cũng mang cây hoa hải đường gia đình trồng đến chợ Viềng bán, vì là phiên chợ đặc biệt nên ông thường đánh bầu to, chắc chắn và buộc rất cẩn thận, giá cả cũng hợp lý, thuận mua vừa bán. Ông Dũng cho biết phiên chợ đông nhất vào khuya ngày mùng 7 và sáng ngày mùng 8, hiện ông đã bán được khoảng 30% số cây, dự kiến đến gần trưa ngày mùng 8 là sẽ bán hết hàng.

Ngoài các loại cây giống, hoa, đồ nông cụ, thịt bò cũng là món hàng được du khách quan tâm, lựa chọn bởi nhiều người tâm niệm đến chợ Viềng phải mua ít thịt về ăn lấy may. Hơn nữa thịt bê, thịt bò thui ở đây khá độc đáo. Thịt bò được thui vàng ươm, bán dọc 2 bên ven đường dẫn vào chợ.

Tại Nam Định có tới bốn chợ Viềng nhưng nổi tiếng nhất vẫn là chợ Viềng ở chợ Chùa (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) và chợ Viềng Phủ Dày (xã Trung Thành, huyện Vụ Bản). Chợ Viềng chùa tại huyện Nam Trực là nơi có chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, còn chợ Viềng phủ tại huyện Vụ Bản là nơi có quần thể Di tích Phủ Dày thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Cùng với lễ hội đền Trần, chợ Viềng chính là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch từ khắp mọi miền trong những ngày đầu Xuân mới. Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Dày được cấp Bằng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1975.

Tháng 4/2017, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại, góp phần tăng cường giá trị, vai trò của di sản văn hóa đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của người dân Nam Định nói riêng và cả nước nói chung../.

Hà Nội lần đầu tiên tổ chức Lễ hội bơi chải thuyền rồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục