Tây Ban Nha đề xuất áp thuế mới với đồ nhựa dùng một lần

15:14' - 03/06/2020
BNEWS Ngày 2/6, Chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra một dự luật mới, trong đó đề xuất áp thuế với các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần nhằm hạn chế tiêu thụ mặt hàng gây ô nhiễm môi trường này.

Mục tiêu chính của dự luật mới là giảm thiểu việc sử dụng cốc và chai nhựa trong các nhà hàng đồ ăn nhanh và bán đồ ăn mang về.

Bằng việc đánh thuế 0,45 euro/kg bao bì, Chính phủ Tây Ban Nha ước tính có thể thu ngân sách 724 triệu euro/năm cũng như hoàn thành mục tiêu loại bỏ đồ nhựa dùng một lần do Liên minh châu Âu (EU) đặt ra đến năm 2021.

Trong buổi họp báo sau cuộc họp chính phủ hàng tuần, Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha Teresa Ribera cho biết chính phủ có thể áp khoản thuế gián tiếp lên các hoạt động sản xuất, nhập khẩu hoặc mua bán trong nội bộ EU các sản phẩm nhựa không tái chế phục vụ thị trường trong nước.

Bà Ribera cho hay nhiều nước láng giềng như Anh và Italy cũng áp dụng chính sách tương tự.

Theo đề xuất của chính phủ, từ mùa Hè năm 2021 Tây Ban Nha sẽ cấm một số sản phẩm như tăm bông, ống hút và dao dĩa nhựa.

Từ tháng 1/2023, nước này có thể áp một khoản thuế đặc biệt lên bao bì nhựa. Do đó, người tiêu dùng có thể phải trả thêm tiền khi mua đồ ăn thức uống mang về đựng trong cốc hoặc hộp nhựa.

Luật mới sẽ liệt kê cụ thể các loại bao bì phải chịu thuế. Tuy nhiên, dự luật này vẫn cần được Quốc hội thông qua mới có hiệu lực.

EU dự định cấm ống hút nhựa, dao dĩa và đĩa nhựa dùng một lần vào năm 2021 nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Ủy ban châu Âu đã đề xuất các quốc gia thành viên đánh thuế các sản phẩm nhựa không tái chế, vừa làm giảm ô nhiễm, vừa giúp EU trả lại khoản vay ước tính khoảng 750 tỷ euro dành cho các hoạt động tái thiết kinh tế sau đại dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục