Tây Ninh cần 15.400 tỷ đồng đầu tư các dự án năng lượng mặt trời

20:27' - 29/08/2017
BNEWS Tây Ninh sẽ cần 15.400 tỷ đồng đầu tư cho 15 dự án năng lượng mặt trời với tổng công suất 554 MW từ nay đến năm 2019.

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ký công văn gửi Bộ Công Thương, đề nghị Bộ này thẩm định, xem xét phê duyệt bổ sung 15 dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời vào quy hoạch phát triển điện lực Tây Ninh giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020.

Theo UBND tỉnh, từ tháng 6/2017 đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đến đăng ký thực hiện 15 dự án xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời (còn gọi là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch).

Các dự án kể trên có tổng suất đặt 554 MW với số vốn đầu tư đạt trên 15.400 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2017-2019.

Trong đó, Công ty Cổ phần năng lượng miền Trung đăng ký sử dụng 60 ha đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng để thực hiện dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời Tân Châu 1, quy mô 50 MW, với tổng vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Biên Hòa – Thành Long đăng ký sử dụng 37 ha đất tại xã Thành Long, huyện Châu Thành để xây dựng Nhà máy điện mặt trời Thành Long công suất 30 MW, với tổng vốn đầu tư 736 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần năng lượng xanh TTC đăng ký sử dụng trên 110 ha đất tại xã An Hòa, huyện Trảng Bàng để thực hiện 2 dự án điện mặt trời TTC số 1, TTC số 2 có tổng công suất 94 MW với số vốn đầu tư đạt trên 2.430 tỷ đồng.

Công ty TNHH Bách khoa Á Châu đăng ký sử dụng 120 ha đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện năng lượng mặt trời có tổng công suất 60 MW, với số vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng…

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tây Ninh được đánh giá là tỉnh có tiềm năng về năng lượng mặt trời với cường độ bức xạ từ 5,1kWh/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình tại địa phương này lên đến 2.400 giờ/năm, rất phù hợp với phát triển điện bằng nguồn năng lượng mặt trời, nên đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này.

Các vị trí dự kiến đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời như: vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng, xã Suối Ngô (huyện Tân Châu), xã Thành Long (huyện Châu Thành)… thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, thuộc danh mục được ưu đãi đầu tư theo quy định.

Các dự án trên đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng chưa được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020, nên tỉnh đề nghị Bộ Công thương xem xét bổ sung, nhằm tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục