Techcombank chủ động xử lý, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn 0,5%

19:26' - 27/01/2021
BNEWS Chiều 27/1, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2020.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 15.800 tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2019, cao hơn chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà Đại hội cổ đông đã thông qua là 21,5%. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản trong 12 tháng đạt 3,1%.

Đáng chú ý, tại thời điểm 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 0,5%, thấp hơn mức 1,3% hồi cuối năm 2019. Theo Techcombank, tỷ lệ nợ xấu giảm do ngân hàng đã chủ động xử lý nợ xấu để củng cố sức mạnh bảng cân đối trước các tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm 31/12/2020 là 171% so với mức 94,8% tại 31/12/2019.
Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner chia sẻ: "Trong năm 2020 với nhiều thách thức và bất ổn, Techcombank đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ khách hàng và củng cố sức mạnh bảng cân đối để vượt qua khủng hoảng. Các biện pháp gồm có giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cung cấp mức lãi suất ưu đãi, tăng thanh khoản để đảm bảo ngân hàng có nguồn tín dụng dồi dào phục vụ khách hàng, song song với việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu để duy trì chất lượng tài sản".
"Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung thực thi chiến lược và đầu tư vào số hóa để đáp ứng nhu cầu của lượng khách hàng ngày càng tăng", Tổng Giám đốc Jens Lottner nhấn mạnh.
Kết thúc năm 2020, tổng tài sản Techcombank đạt 439.600 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cuối năm 2019. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng tại 31/12/2020 là 318.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cuối năm 2019, và phù hợp với hạn mức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Nhu cầu tín dụng đặc biệt tăng mạnh trong quý IV/2020, do các hoạt động kinh tế dần phục hồi sau đại dịch và các doanh nghiệp đẩy nhanh việc đầu tư để tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021. Sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế được phản ánh rõ ràng ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cụ thể, dư nợ tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cuối quý IV/2020 tăng 24,3% so với trước đó, cao hơn mức tăng 13,9% dư nợ tín dụng của doanh nghiệp lớn và 8,9% dư nợ tín dụng cho khách hàng cá nhân.
Tiền gửi khách hàng tại 31/12/2020 là 277.500 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm 31/12/2019. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 128.000 tỷ đồng, tăng 60,6% so với cuối năm 2019. Trong khi đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 149.400 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cuối năm ngoái, phản ánh sự tập trung của ngân hàng vào việc tối ưu hóa chi phí vốn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục