Tên gọi mới của NAFTA phiên bản 2.0 là USMCA

12:49' - 01/10/2018
BNEWS Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết tên gọi mới của NAFTA phiên bản 2.0 sẽ là Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).

Sáng 1/10 (giờ Việt Nam), Mỹ và Canada chính thức xác nhận đã đạt được thỏa thuận về một "thỏa thuận thương mại mới và hiện đại" nhằm thay thế cho Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký kết hồi năm 1994.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau nhiều giờ đàm phán, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết tên gọi mới của NAFTA phiên bản 2.0 sẽ là Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).

Tuyên bố nhấn mạnh USMCA sẽ mang lại cho những người công nhân, nông dân, các chủ trang trại và các doanh nghiệp của 3 nước một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao, qua đó đảm bảo hoạt động thương mại diễn ra công bằng hơn, giúp mở ra những thị trường cởi mở hơn cũng như góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

USMCA cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho tầng lớp trung lưu, tạo nhiều việc làm tốt với mức lương cao, và tạo ra nhiều cơ hội mới cho gần nửa tỷ cư dân sinh sống dưới "mái nhà" Bắc Mỹ có tổng kim ngạch thương mại lên tới 1.000 tỷ USD/năm này.

Trao đổi với báo giới khi rời văn phòng, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố: "Hôm nay là một ngày tốt lành đối với Canada".

Trong khi đó, trên trang Twitter, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray đã hoan nghênh thỏa thuận trên khi bình luận: "Một đêm tốt lành đối với Mexico và cả Bắc Mỹ".

Tương tự, ông Jesus Seade, đại diện cho Tổng thống đắc cử Mexico Andres Manuel Lopez Obrador, cũng viết: "Chúng tôi chào mừng một thỏa thuận ba bên", nhấn mạnh thỏa thuận này "sẽ mang lại sự ổn định cho thương mại của Mexico với các đối tác Bắc Mỹ".

Để có thể đi đến thỏa thuận hôm nay, các nhà đàm phán của Mỹ, Canada và Mexico đã dành những ngày cuối tuần qua thảo luận liên tục qua điện thoại, trong nỗ lực chạy đua nước rút nhằm bảo vệ NAFTA trước nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, hiệp định mới cần phải nhận được Quốc hội mỗi nước phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục