Thách thức đối với phát triển năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á

06:00' - 02/09/2020
BNEWS Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đặt mục tiêu là đảm bảo 23% nguồn năng lượng sơ cấp đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2025 khi nhu cầu năng lượng trong khu vực dự báo sẽ tăng tới 50%.

Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), với mục tiêu này, tỷ trọng năng lượng tái tạo hiện tại trong khu vực sẽ tăng 2,5 lần so với năm 2014.

Với việc chi phí sản xuất năng lượng tái tạo giảm nhanh chóng nhờ các nguồn năng lượng như gió và quang điện Mặt Trời (PV), khu vực Đông Nam Á đang có cơ hội vàng để đáp ứng nhu cầu điện to lớn một cách hiệu quả và bền vững.

Theo Báo cáo Triển vọng Năng lượng Đông Nam Á, thực tế này cũng thúc đẩy giúp các ngành sản xuất địa phương phát triển.

Ví dụ Malaysia đã trở thành nhà sản xuất pin Mặt Trời lớn thứ ba thế giới, trong khi đầu tư vào ngành sản xuất năng lượng Mặt Trời của Thái Lan đang làm tăng sản lượng PV cho các thị trường trên toàn cầu. Thông qua triển khai nhiều năng lượng tái tạo hơn trong khu vực, nền kinh tế của các quốc gia ASEAN có thể được tăng cường hơn nữa.

Nhu cầu năng lượng gia tăng và biến số cung-cầu thay đổi đang tạo ra những thách thức mới và khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách tại khu vực này. Bất chấp những cơ hội hiện có được tạo ra từ các chính sách phù hợp, một số thách thức đòi hỏi phải có cách tiếp cận trên phạm vi cả khu vực.

Đầu tiên, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực luôn đi kèm với những khoản chi đắt đỏ đối với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. Báo cáo công bố gần đây của Trung tâm Habibie, một tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Indonesia, đã chỉ ra rằng việc tiếp cận tài chính được coi là yếu tố quan trọng nhất để phát triển các dự án năng lượng tái tạo do tính chất thâm dụng vốn.

Hiện tại, một số quốc gia thành viên ASEAN còn thiếu kinh nghiệm và chuyên môn trong việc đánh giá rủi ro của đầu tư năng lượng tái tạo.

Habibie kết luận, việc thiếu hỗ trợ tài chính và các kênh rót vốn, bao gồm cả hỗ trợ tài chính công, đã làm cho lĩnh vực năng lượng tái tạo trở thành một lĩnh vực tương đối kém hấp dẫn đối với giới đầu tư. Cùng với đó, thiếu khung pháp lý cũng là một trở ngại lớn đối với việc giới thiệu và phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Một yếu tố khác cản trở việc thực hiện các chính sách và ưu tiên năng lượng tái tạo đó là chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân, mà điển hình là trường hợp của Lào. Ngoài ra, điều kiện về địa lý và kỹ thuật cũng là một số thách thức mà các doanh nghiệp phát triển dự án năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á phải đối mặt.

Thực trạng thiếu các chính sách quản lý, sử dụng đất hợp lý cũng như vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm khi triển khai các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn trong khu vực.

Cụ thể, đối với Indonesia và Philippines, thách thức về năng lực cơ sở hạ tầng là hạn chế cản trở việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo hiệu quả, nhất là liên quan đến truyền tải điện. Điều này đến từ đặc điểm cả hai quốc gia đều là quần đảo, lưới điện bị chia cắt.

Thêm vào đó, thiếu nhận thức và sự ủng hộ của cộng đồng cũng là những thách thức mà các quốc gia thành viên ASEAN phải đối mặt khi phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo. Điều này có thể xuất phát từ thực tế là người dân thiếu nhận thức về lợi ích tiềm năng của năng lượng tái tạo đối với việc bảo tồn môi trường cho một tương lai xanh và sạch hơn.

Theo ông Adnan Z. Amin, nguyên Tổng Giám đốc IRENA, việc áp dụng nhanh chóng năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội, từ tạo việc làm, giảm ô nhiễm không khí và đối phó với biến đổi khí hậu. 

Ông khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách và các nhân tố tham gia phát triển khác nên ưu tiên đầu tư vào năng lượng sạch, đáng tin cậy và giá cả phải chăng như một trụ cột phát triển cho toàn khu vực.

Chính vì vậy, hợp tác giữa khu vực công và các doanh nghiệp tư nhân là yêu cầu cấp thiết, đóng vai trò làm cầu nối và giải quyết các thách thức hiện tại trong phát triển năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á./.         

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục