Thách thức đối với vị thế của Apple trong tương lai

05:30' - 09/01/2022
BNEWS Nhiều năm qua Apple đã phớt lờ vô số phàn nàn đặc biệt là vào thời điểm ra mắt sản phẩm mới. “Thiếu năng lực sáng tạo” là chỉ trích phổ biến nhất đối với Apple trong những năm gần đây.

Theo trang The Paper, ngay trong ngày đầu tiên của năm 2022, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty công nghệ Smartisan (Trung Quốc) La Vĩnh Hạo đã chỉ trích "người khổng lồ" công nghệ Apple (Mỹ) trên nền tảng xã hội, hoài nghi năng lực phát triển sản phẩm của Apple, đồng thời kêu gọi Apple không nên tiếp tục liều lĩnh, làm những điều gây tổn hại trải nghiệm của khách hàng.

Tuy nhiên, sự chỉ trích này nhanh chóng bị “tin vui” của Apple pha loãng. Ngày 4/1, giá cổ phiếu của Apple có thời điểm lên đến 182,94 USD, và nếu dựa vào thị giá cổ phiếu này để tính toán, thì giá trị thị trường của Apple đã vượt qua 3.000 tỷ USD, trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên toàn cầu đạt đến quy mô này.  

Đây là khái niệm gì? Tính theo số liệu tổng giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước trên thế giới, 3.000 tỷ USD có thể xếp thứ 5 toàn cầu, vượt qua Anh. Đây là con số đáng kinh ngạc, khi một công ty đã vượt qua GDP của 95% quốc gia trên thế giới.

Chỉ trích của ông La Vĩnh Hạo và năng lực "hút tiền" của Apple hoàn toàn không mâu thuẫn, trên thực tế đây là “tư thế tiêu chuẩn” mà khách hàng đối diện với Apple.

Nhiều năm qua Apple đã phớt lờ vô số phàn nàn đặc biệt là vào thời điểm ra mắt sản phẩm mới. “Thiếu năng lực sáng tạo” là chỉ trích phổ biến nhất đối với Apple trong những năm gần đây.

Theo một số chuyên gia, dưới thời CEO Tim Cook, Apple đã không có sản phẩm nổi trội nào. Các cải tiến như mở rộng màn hình hay hai sim hai sóng chờ (DSDS) của Apple đều chậm nhất so với các thương hiệu khác.

Trong khi các nhà sản xuất lớn đều lần lượt thử nghiệm màn hình gập, thì hiện nay Apple vẫn chưa có động tĩnh gì.   

Tuy nhiên, nếu dùng một câu so sánh, thì Apple hiện nay giống kỹ sư người Scotland James Watt hơn, ông Watt không phát minh ra động cơ hơi nước nhưng đã cải tiến động cơ hơi nước để phù hợp hơn cho các ứng dụng thương mại quy mô lớn.

Đương nhiên, Apple là công ty công nghệ, nhưng vẫn phải đề cao tính thương mại, việc phát triển các sản phẩm không phải để cập nhật mới hơn và nhanh hơn, mà để tốt hơn và kiếm được nhiều tiền hơn.  

Tuy nhiên, cũng không thể đánh giá thấp Apple, năng lực nghiên cứu và phát triển của Apple là điều không thể nghi ngờ. Apple sở hữu chip bán dẫn khiến mọi người phải nể phục.

Dòng chip Apple A Series do Apple tự nghiên cứu là công nghệ hàng đầu trong ngành điện thoại thông minh. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chip của Apple vẫn là để phục vụ cho tính năng phần cứng và mô hình kinh doanh, tác dụng chính là tối ưu hóa trải nghiệm trên sản phẩm của mình.

Nói một cách thẳng thắn, Apple nghiên cứu chip có lẽ không để giành tiếng vang trong ngành, mà mục đích chính là thương mại.

Xét từ tình hình hiện nay, Apple đã cơ bản hình thành một vòng tròn khép kín từ công nghệ nền tảng đến sản phẩm phần cứng, rồi đến hệ sinh thái phần mềm, không có khiếm khuyết rõ ràng, và dường như không nhìn thấy đối thủ cạnh tranh đủ mạnh trong ngắn hạn. Về điểm này, giới trong ngành vẫn thừa nhận.  

Bên cạnh đó, yêu cầu của Apple đối với các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng rất nghiêm ngặt, do đó việc là nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) của Apple gần như là một chứng nhận tiêu chuẩn trong ngành. Về điểm này, có lẽ rất nhiều nhà sản xuất bị thuyết phục.   

Tuy nhiên, những thay đổi trong lĩnh vực thương mại chỉ diễn ra trong nháy mắt. Thất bại trong lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng của các nhà sản xuất lớn vang bóng một thời như Nokia, Sony, HTC, BlackBerry… đều diễn ra nhanh chóng.

Apple cũng có những vấn đề nghiêm trọng.

Chẳng hạn, Apple liên tục rơi vào "sóng gió" bảo mật, một giao thức mạng có tên gọi “AWDL” (Apple Wireless Direct Link) bị lộ trong năm 2021, có thể khiến cho điện thoại di động của Apple bị tin tặc tấn công kiểm soát trong vòng vài phút.  

Lấy lý do bảo vệ môi trường, Apple không tiếp tục cung cấp bộ sạc và vấp phải một loạt chỉ trích. Gần đây, Apple còn bị Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc "điểm danh" vì vấn đề này.

Bên cạnh đó, Apple còn có “vết đen lịch sử” không thể quên. Cuối năm 2018, doanh số bán hàng của Apple ảm đạm, để cứu vãn tình hình, Apple trực tiếp tuyên bố sẽ không công bố doanh số bán hàng trong quý tài chính tiếp theo, điều này khiến cho giới trong ngành một phen náo động, sau đó giá cổ phiếu lao dốc không phanh.

Do đó, mặc dù quy mô của Apple vẫn là số một, nhưng rủi ro cũng luôn tồn tại. Ngoài ra, vũ trụ ảo (metaverse) trỗi dậy mạnh mẽ trong năm nay cũng có thể cung cấp một đường đua mới, mang lại diện mạo mới cho ngành, và đây cũng là một thách thức đối với Apple.

Ngay cả khi ở vị thế rất tốt, Apple cũng không thể thờ ơ với những thách thức mới này, đây chính là "định mệnh" của các công ty công nghệ. Apple bị cuộc cách mạng công nghiệp mới bỏ rơi là khả năng không thể loại trừ. Rốt cuộc, 3.000 tỷ USD chỉ là giá trị thị trường và đặc trưng lớn nhất của thị trường chứng khoán chính là tính thanh khoản cao, nếu Apple hành động chậm chạp, thì các nhà đầu tư sẽ "chạy nhanh" hơn. 

Do đó, tuy câu chuyện của Apple khiến mọi người bàn tán xôn xao, nhưng cũng không có kỳ tích nào ở đây. Trên thực tế, những quy tắc thương mại cơ bản này rất rõ ràng, hơn nữa bất cứ người khổng lồ nào cũng có gót chân Achilles của mình.

Xét từ góc độ này, con đường Apple đã đi qua vẫn có nhiều nhiều điểm đáng suy ngẫm mà rất nhiều công ty có thể học hỏi và rút kinh nghiệm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục