Thách thức lớn của EU trên con đường khôi phục vị thế kinh tế

06:30' - 02/02/2018
BNEWS Trong lúc Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu một năm 2018 với không ít khó khăn, thế giới đang ngày càng lo lắng về khả năng trỗi dậy của khối này để có thể đóng một vai trò then chốt trên trường quốc tế.
Thách thức lớn của EU trên con đường khôi phục vị thế kinh tế. Ảnh minh họa: TTXVN

Trang mạng euractiv.com đã có bài phân tích về tình thế hiện tại của EU. Tại Davos (Thụy Sỹ), hơn 1.900 chủ doanh nghiệp lớn của thế giới cùng hội tụ với một trong số chủ đề thảo luận được nhiều người quan tâm là sự mong manh đáng ngại của cấu trúc và tinh thần châu Âu ở cấp độ quốc gia các nước thành viên.

Trích dẫn một cuộc thăm dò của Chatham House công bố năm 2017, ông Xavier Mesnard thuộc công ty tư vấn A.T. Kearney cho biết châu Âu đang ở thời điểm mang tính bản lề và tỷ lệ người dân hoài nghi châu Âu lên đến 50%. Giới tinh hoa châu Âu đang hành động quá ít để giảm thiểu những chia rẽ sâu sắc trong quần chúng.

Nỗi lo lắng về việc EU phải đối mặt với nguy cơ tan rã và trở thành một “chú lùn” đang là nguy cơ và điều này nếu xảy ra sẽ gây những hậu quả không lường trước được đối với trật tự quốc tế vào lúc mà nước Mỹ đang theo đuổi con đường dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ và cô lập.

Việc nước Anh rời khỏi châu Âu (gọi là Brexit) cùng sự trỗi dậy của các phong trào cực hữu là những dấu hiệu hiển nhiên về một triệu chứng “khó ở” của châu Âu. Ông Masnard nhấn mạnh rằng thay vì xem những triệu chứng này như những mệnh lệnh để cải tổ và cơ cấu lại mô hình châu Âu thì giới tinh hoa và các thể chế châu Âu lại cho thấy một sự phức tạp cứng nhắc dẫn đến sự thất vọng và ác cảm của nhiều người đối với châu Âu.

Khôi phục mục tiêu chung của EU là điều không hề dễ dàng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker có bài phát biểu ngày 25/1, tức là một ngày sau diễn văn của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, để đảm bảo rằng việc Ủy ban châu Âu (EC) đang có những công cụ mạnh trong tay.

EU gồm 27 nước và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã làm cho các nhà kinh tế học phải ngạc nhiên với khả năng khôi phục kinh tế mạnh hơn dự đoán cùng những chỉ báo cho thấy xu hướng này còn tiếp tục diễn ra trong tương lai. Tỉ lệ người dân có việc làm tại châu Âu đang ở mức cao nhất một thập kỷ. Các biện pháp cải tổ được thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đã mang lại trái ngọt.

Trong một báo cáo mới công bố tuần này, EC đã tỏ ra lạc quan về tương lai của khối và nhấn mạnh rằng các nền kinh tế châu Âu đang tỏ ra dẻo dai và cạnh tranh hơn, nợ công đang giảm và những yếu kém về thể chế của Eurozone đã được sửa chữa phần lớn.

Theo báo cáo trên, 27 nước EU đã thu hút được 424 tỷ euro đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào năm 2016, so với 391 tỷ euro tại Mỹ, và điều đó cho thấy EU vẫn đứng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Một điều không thể bỏ qua là EU vẫn là khối thương mại lớn nhất thế giới.

Cùng lúc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra sáng kiến chinh phục lại tinh thần châu Âu và củng cố liên minh nhằm giải quyết những vấn đề khiến cử tri tìm đến các phong trào cực hữu. Tầm nhìn cải tổ của Tổng thống Pháp bắt đầu bằng sự trao đổi tin tức về tình báo và quốc phòng, kiểm soát các đường biên giới ngoài EU và một ngân sách cho Eurozone.

Về phần mình, nước Đức của bà Merkel cũng đã sẵn sàng lên thuyền. Một thỏa thuận liên minh được ký kết giữa đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Angela Merkel và các đảng dân chủ xã hội trung tả đã đặt vấn đề khởi động một châu Âu mới vào vị trí hàng đầu trong các ưu tiên của chính phủ mới tại Đức.

Bà Martina Larkin, ủy viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nhận định rằng dù có nhiều tín hiệu tốt nhưng châu Âu chưa thể “kê cao gối để ngủ”. Mối đe dọa về sự xói mòn niềm tin vẫn còn hiện hữu và lục địa già phải đối mặt với những áp lực nguy hiểm khi mà một thế giới ngày càng đa cực và các thách thức trong tương lai đang trở nên phức tạp hơn.

Hội nghị thượng đỉnh của EU hồi cuối tháng 12 vừa qua đã chỉ ra những điểm bất đồng rõ rệt trong khối. Tại đó, một cuộc thảo luận 2 tiếng đồng hồ về vấn đề người nhập cư đã làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk phải tuyên bố rằng EU sẽ gặp khó khăn để tìm ra được tiếng nói chung. Ông Tusk cũng đã chốt thời hạn đến tháng 6/2018 cho các nhà lãnh đạo đạt được một thỏa thuận về vấn đề nhập cư.

Thực tế cho thấy đang tồn tại một khoảng cách lớn trong cách suy nghĩ giữa lãnh đạo và người dân châu Âu. Một cuộc điều tra trước đó công bố bởi Nghị viện châu Âu cho thấy CH Ireland là nước có đến 90% người dân cảm thấy có lợi khi gia nhập EU trong khi không có nước nào trong 6 nước lớn là Đức, Pháp, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha và Anh vượt qua tỉ lệ 80%. Trong khi đó tại Italy, nơi tháng Ba tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội, thậm chí chỉ có 39% người được hỏi cho rằng gia nhập EU là một thuận lợi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục