Thách thức nào chờ doanh nghiệp dệt may trong năm 2019 ?

13:41' - 20/09/2018
BNEWS Ngày 20/9, tại Hà Nội diễn ra “Hội thảo Triển vọng xuất khẩu dệt may 2019” do Bộ Công Thương và Hiệp hội thêu đan Tp. Hồ Chí Minh tổ chức.
Hội thảo Triển vọng xuất khẩu dệt may 2019. Ảnh:Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ngày 20/9, tại Hà Nội đã diễn ra “Hội thảo Triển vọng xuất khẩu dệt may 2019” do Bộ Công Thương và Hiệp hội thêu đan Tp. Hồ Chí Minh tổ chức. Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt và may - thiết bị và nguyên phụ liệu 2018 (HanoiTex 2018).

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong công cuộc đổi mới và tăng cường hội nhập kinh quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Kinh tế luôn đạt tốc độ tăng trưởng, ổn định, môi trường đầu tư tốt… vị thế trên trường quốc tế ngày càng được củng cố.

Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: tình hình chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới không ổn định, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng với những điều chỉnh chính sách của một số nước lớn tác động đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu; trong đó, ngành dệt may đã phần đóng góp đáng kể. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt trên 31 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2016. 8 tháng của năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 23 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo toàn ngành, năm nay có thể đạt 35 tỷ  USD. 

Năm 2019 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành trong giai đoạn cần sự bứt phá chuyển mình để tiến lên một vị thế mới, một vai trò mới trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Đó là việc chuyển từ sản xuất gia công (CMT) sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng (ODM và OBM) với mong muốn mang lại giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có tác động lớn đến ngành dệt may, buộc phải thay đổi và đầu tư mạnh mẽ hơn cho thiết bị, cũng như nhân sự. Bài toán đối với ngành dệt may hiện nay, đó không còn là số lượng đơn hàng, giá trị đơn hàng và mức tăng trưởng, mà đó là không ngừng đổi mới công nghệ, thiết bị, đào tạo nhân sự kỹ thuật, thiết kế, đội ngũ quản lý đơn hàng, đội ngũ marketing với trình độ cao hơn.
 
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết, trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh gay gắt từ Bangladesh, Campuchia, Lào, Srilanka, Myanmar. Do vậy, các doanh nghiệp cần theo dõi  nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để chiếm lĩnh được cơ hội, đứng vững trong thị trường đầy biến động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục