Bắc Giang xúc tiến tiêu thụ 15 nghìn tấn vải thiều sớm

11:43' - 23/05/2025
BNEWS Vải thiều chín sớm Tân Yên, một sản phẩm đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang và huyện Tân Yên. Năm nay, diện tích vải thiều Tân Yên là 1.375 ha, sản lượng ước đạt 15.500 tấn.

Nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều chín sớm Tân Yên ở thị trường trong và ngoài nước, ngày 23/5 tại vùng vải sớm xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang diễn ra Hội nghị kết nối, thỏa thuận hợp tác tiêu thụ vải thiều chín sớm Tân Yên năm 2025.

* Chất lượng vượt trội

Vải thiều chín sớm Tân Yên, một sản phẩm đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang và huyện Tân Yên. Năm nay, diện tích vải thiều Tân Yên là 1.375 ha, sản lượng ước đạt 15.500 tấn (tăng 500 tấn so với năm 2024); trong đó, vải thiều chín sớm là 1.250ha, sản lượng ước đạt 15 nghìn tấn.

 

Toàn huyện duy trì diện tích vải thiều đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm 900ha; trong đó, duy trì diện tích vải thiều đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 455ha; có 33 mã vùng trồng vải xuất khẩu (trong đó, duy trì 30 mã, cấp mới 3 mã) với tổng diện tích 1.036 ha phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, Australia...

Vải thiều chín sớm Tân Yên bắt đầu thu hoạch khoảng từ cuối tháng 5, tập trung vào đầu tháng 6, dự kiến kết thúc vụ vào khoảng 15/6. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Nguyễn Huy Ngọc, vượt qua sự khắc nghiệt thời tiết, cùng tình yêu cây và và kinh nghiệm chăm sóc của người dân, vải thiều chín sớm Tân Yên năm 2025 được thị trường đánh giá có chất lượng vượt trội, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc và tiếp tục được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn sử dụng.

Chỉ còn khoảng thời gian ngắn nữa, huyện Tân Yên bước vào thu hoạch vải thiều nên các cấp, các ngành, các địa phương trong huyện cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong việc thu hoạch, đóng gói và tiêu thụ vải thiều; tiến hành kiểm tra các điều kiện cần thiết để quả vải thiều chín sớm Tân Yên đạt tiêu chuẩn cao nhất đáp ứng xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Australia...

Huyện cũng chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất như: nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác... trong suốt mùa vải.

*Để vải sớm đi xa, đi bền

Theo UBND huyện Tân Yên, đến nay các đơn vị, doanh nghiệp đã ký kết trên 30 biên bản ghi nhớ, hợp đồng sản xuất và tiêu thụ vải; 5 biên bản ghi nhớ trong khảo sát, xây dựng các tour, sản phẩm, điểm đến du lịch trên địa bàn huyện Tân Yên đối với các công ty, doanh nghiệp, đơn vị lữ hành.

Theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, đơn vị chuyên chế biến và xuất khẩu nông sản sang các thị trường Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ và Australia cho biết, những năm gần đây, công ty đã phối hợp cùng các hợp tác xã tại Tân Yên triển khai vùng nguyên liệu đạt chuẩn GlobalGAP, tổ chức sơ chế – đóng gói ngay tại địa phương, hỗ trợ mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, và vận chuyển bằng container lạnh để đảm bảo chất lượng khi xuất khẩu. Năm nay, công ty tiếp tục tăng sản lượng thu mua vải Tân Yên để phục vụ đơn hàng sang Nhật Bản, Hoa Kỳ và Australia.

Tuy nhiên, để sản phẩm vải thiều Tân Yên có thể đi xa và đi bền, việc xây dựng một chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ là yếu tố then chốt. Chuỗi giá trị này không chỉ đơn thuần là “doanh nghiệp thu mua – nông dân sản xuất”, mà là một sự phối hợp đồng bộ giữa 5 mắt xích: vùng nguyên liệu đạt chuẩn, sản xuất theo quy trình an toàn, thu hoạch đúng kỹ thuật, sơ chế – bảo quản hiện đại và tiêu thụ theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch.

Ông Hưng khẳng định: Người tiêu dùng quốc tế không chỉ cần sản phẩm ngon, mà còn cần sản phẩm an toàn – minh bạch – truy xuất được nguồn gốc, và đặc biệt là sản phẩm gắn với một câu chuyện đáng tin cậy về chất lượng và bền vững.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho việc tiêu thụ vải thiều, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang La Văn Nam đề nghị: Huyện Tân Yên cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chất lượng vải sớm bằng tất cả các kênh; chỉ đạo nghiêm ngặt quy trình sản xuất, thu hái, sơ chế, bảo quản đảm bảo mọi điều kiện xuất khẩu. Cùng đó, huyện cần đảm bảo tốt nhất các điều kiện phục vụ cho tiêu thụ vải như giao thông, cơ sở đóng gói, nguồn điện, nguồn vốn...

Sau khi vụ vải thiều kết thúc, cần hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc, sản xuất theo đúng quy trình để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Trong đó cần ưu tiên xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều sớm Tân Yên; rà soát các diện tích vải chưa đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp hỗ trợ bà con nông dân trong tiêu thụ và đảm bảo cam kết về giá.

Tại hội nghị, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải thiều chín sớm và phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Tân Yên năm 2025.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục