Thách thức trong điều hành giá

19:00' - 02/05/2016
BNEWS Lộ trình tăng giá đối với các dịch vụ y tế công lập và dịch vụ giáo dục công lập năm 2016 trong bối cảnh mức lạm phát Quốc hội cho phép dưới 5,0% đặt ra không ít thách thức đối với ngành giá.
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.op mart TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Năm 2016 nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đà phục hồi ổn định. Tuy nhiên, theo đại diện của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thực hiện lộ trình tăng giá đối với các dịch vụ y tế công lập và dịch vụ giáo dục công lập năm 2016 trong bối cảnh mức lạm phát Quốc hội cho phép dưới 5,0% đặt ra không ít thách thức đối với ngành giá.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính thì dự báo trong năm 2016, lạm phát sẽ xoay quanh mức 1% với biên độ +/-1%. Trong giai đoạn đầu năm, lạm phát cùng kỳ sẽ có xu hướng tăng lên trên 1%. Nhưng đến giữa năm 2016 lạm phát có xu hướng chững lại và có thể giảm trong giai đoạn nửa cuối năm 2016.

Do vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết ngay từ những ngày đầu năm công tác quản lý, điều hành giá đã diễn ra quyết liệt . Việc điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu tiếp tục được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.

Đối với giá xăng dầu, đến ngày 21/3/2015 so với thời điểm cuối năm 2015, giá bán lẻ xăng RON 92 giảm 1.980.đồng/lít, dầu điêzen giảm 2.110 đồng/lít, dầu hỏa giảm 2.160 đồng/lít; mazut giảm 940 đồng/lít.

Đồng thời, để xử lý chênh lệch về thuế nhập khẩu xăng, dầu theo các cam kết quốc tế, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng, dầu theo giá cơ sở tối đa tính trên thuế suất bình quân gia quyền.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thì quan điểm của Bộ Tài chính là cơ chế điều hành giá xăng dầu phải bám sát thị trường và có sự quản lý của nhà nước, nhưng phải linh hoạt và đặc biệt công khai, minh bạch hơn. “Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải nghiên cứu thêm. Nếu như thị trường bình ổn rồi, theo thị trường thật sự rồi thì không cần phải có quỹ này nữa”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Thách thức trong điều hành giá trong năm 2016. Ảnh minh họa:TTXVN

Về quản lý điều hành giá sữa, Tư lệnh ngành tài chính khẳng định đứng về lợi ích của người tiêu dùng nhưng không thể thoát ly nguyên tắc thị trường.

Thời gian qua, Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương đã công bố giá tối đa, giá đăng ký, kê khai của 808 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong đó có 202 dòng sản phẩm sữa mới được công bố trên cơ sở rà soát hồ sơ xác định giá tối đa, đăng ký giá và kê khai giá của các doanh nghiệp và 606 dòng sản phẩm sữa đã lưu thông trước khi công bố thực hiện bình ổn giá, mức giá bán lẻ của các dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi đã giảm từ 0,1% - 34%.

Mặt bằng giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được giảm và thiết lập ổn định trong một thời gian dài.

Đánh giá về công tác điều hành giá suốt thời gian qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đã tiến hành kiểm soát, thực hiện quản lý Nhà nước về giá theo pháp luật về giá, cơ bản đến nay đã đi một bước rất tốt là giá theo thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước.

“Ví dụ trước kia rất khó khăn trong điều hành giá xăng dầu thì thời gian qua thực hiện rất tốt. Đồng thời, giá điện bước sát với thị trường, giá xăng đã theo thị trường. Thông qua chính sách tài chính, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, có chính sách ưu tiên với các đối tượng nghèo, vùng sâu xa, gia đình chính sách…thực hiện tương đối tốt trong điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Tài chính khẳng định, chính sự quản lý, điều hành giá đã góp phần rất lớn kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, năm 2016 ngành sẽ bám sát diễn biến giá xăng dầu của thị trường thế giới để chủ động, linh hoạt điều hành giá xăng dầu trong nước đồng bộ giữa các biện pháp về giá, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và cân đối ngân sách nhà nước.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy định về công khai, minh bạch trong điều hành giá để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, để hoàn thành có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp đề ra của Quốc hội, Chính phủ về kinh tế vĩ mô, Cục Quản lý giá đã đề ra 8 giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, thực hiện tốt các quy định của Luật Giá; chú trọng nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý giá đối với các loại dịch vụ chuyển từ danh mục phí sang giá theo quy định tại Luật Phí, Lệ phí năm 2015.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo điều hành giá để Ban Chỉ đạo điều hành giá nghiên cứu giúp Thủ tướng Chính phủ quyết định các chủ trương, định hướng quản lý, điều hành giá; biện pháp điều hành giá, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng với việc theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, ngành tài chính tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Ngoài ra, giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước.

Trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục