Thái Bình sẽ nâng cấp từ 15 đến 20 sản phẩm chủ lực có thương hiệu

18:19' - 16/06/2020
BNEWS Năm 2020, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu nâng cấp ít nhất từ 15 đến 20 sản phẩm chủ lực có thương hiệu và thị trường tiêu thụ, với trung bình mỗi huyện thực hiện từ 2 đến 3 sản phẩm.

Ngày 16/6, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội nghị triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) cấp tỉnh năm 2020.

Theo đó, trong năm 2020, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu nâng cấp ít nhất từ 15 đến 20 sản phẩm chủ lực có thương hiệu và thị trường tiêu thụ, với trung bình mỗi huyện thực hiện từ 2 đến 3 sản phẩm. Tỉnh sẽ phát triển mới ít nhất 8 sản phẩm; trong đó, mỗi huyện thực hiện từ 1 đến 2 sản phẩm, tập trung vào các nhóm sản phẩm nông - thủy sản chế biến và thủ công mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình củng cố ít nhất 15 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương và phát triển mới ít nhất một tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, ưu tiên đơn vị có sự tham gia quản  trị của người địa phương.

100% cán bộ quản lý Chương trình OCOP, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn. 100% chủ thể sản xuất tham gia OCOP được nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị, xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP.

Cụ thể, tỉnh Thái Bình triển khai chuẩn hóa và nâng cao chuẩn xếp hạng cho 2 sản phẩm OCOP đã được lựa chọn tại Quyết định số 4078 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đó là Bánh cáy làng Nguyễn ở huyện Đông Hưng và Bánh đa sợi ở huyện Quỳnh.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Cục trưởng, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã đề nghị tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo hoàn thiện kế hoạch thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh và tập trung thực hiện các mục tiêu chương trình tỉnh đã đề ra từ năm 2019, trên có ở bám sát Quyết định số 490 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, để chuyển tải đầy đủ đến các huyện, các sở, ngành.

Ông Ngô Tất Thắng còn đặc biệt đề nghị tỉnh Thái Bình bố trí nhân lực thỏa đáng để điều hành chỉ đạo, thực hiện chương trình này.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về chương trình OCOP, tỉnh Thái Bình đã triển khai, quyết định ban hành đề án và xây dựng kế hoạch thực hiện.

Tuy nhiên, đến nay việc triển khai chương trình này của tỉnh còn chậm so với yêu cầu của Trung ương. Trong quá trình triển khai chương trình này, các ngành, các cấp chưa quyết liệt, chưa sát sao, chưa bám sát lộ trình, mục tiêu đã đề ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị, thời gian tới, các ngành, các cấp rà soát lại toàn bộ các nội dung trong Đề án, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện hiệu quả, đảm bảo thời gian, chất lượng từng công việc đã đề ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh khẩn trương tổ chức tập huấn về nội dung chương trình OCOP cho các đối tượng liên quan đến chương trình này, đảm bảo nghiêm túc.

Các ngành chức năng phải đề ra kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể, lộ trình thời gian để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chương trình OCOP.

Nhất là đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình phải chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ các tổ chức kinh tế công nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện công bố hoặc công bố chất lượng sản phẩm, kiểm tra đối với sản phẩm trong lĩnh vực phạm vi quản lý đồng thời phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện hồ sơ cho các chủ thể có sản phẩm OCOP.

Đối với các huyện, thành phố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo, ngay sau hội nghị này, chậm nhất đến ngày 15/7, cần tổ chức xong hội nghị cấp huyện, phổ biến quán triệt những nội dung nhiệm vụ liên quan đến chương trình OCOP, nhất là kiện toàn nhân lực thực hiện nhiệm vụ của chương trình này đảm bảo nhân lực tâm huyết, có năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, các địa phương rà soát, xây dựng, ban hành kế hoạch, huy động, phân bổ, điều chỉnh các nguồn lực để thực hiện chương trình OCOP trong phạm vi quản lý.../.

>>>Phát triển sản phẩm OCOP - Bài 1: Thúc đẩy sản xuất hàng hóa đặc sản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục