Phát triển sản phẩm OCOP - Bài cuối: Tháo gỡ khó khăn

09:46' - 21/03/2020
BNEWS Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là giải pháp phù hợp, nhưng các địa phương đang gặp một số trở ngại, đòi hỏi phải có các giải pháp tháo gỡ kịp thời và đồng bộ.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là giải pháp phù hợp để các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện các địa phương đang gặp một số trở ngại, đòi hỏi phải có các giải pháp tháo gỡ kịp thời, đồng bộ để chương trình đạt được hiệu quả cao hơn.

* Bài toán thị trường

Hiện nay, ở một số địa phương vẫn gặp khó trong việc giải bài toán thị trường cho sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre lấy ví dụ từ chính sản phẩm thế mạnh của địa phương là trái bưởi da xanh. Nhiều chủ vườn, doanh nghiệp cho rằng, dù được công nhận là sản phẩm OCOP, đạt chuẩn 4 sao, 5 sao thì việc giá bán một kg bưởi ngoài thị trường không cao hơn so với lúc chưa được chứng nhận.

Chẳng hạn, ở chợ truyền thống, nhiều người tiêu dùng không biết sản phẩm OCOP là gì. Để sản phẩm có được giá bán phù hợp với chất lượng, thương hiệu sản phẩm, phải có được “đầu ra” ổn định...., nhưng hiện không phải sản phẩm nào cũng “vào” được siêu thị hay xuất khẩu ổn định.

Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, một trong trong những trở ngại hiện nay chính là nhiều địa phương chưa đảm bảo được nguồn hàng thường xuyên, sản lượng ổn định khiến các đầu mối thu mua ngần ngại. Chưa kể, chính vì quy mô sản xuất của nhiều đơn vị còn nhỏ, đầu tư cho công nghệ còn thấp nên giá trị sản phẩm chưa thể đạt được thứ hạng cao trong Chương trình OCOP. Nhiều sản phẩm dù rất độc đáo, đặc sắc và được khai thác từ những tài nguyên bản địa; song chưa thể vươn xa trên thị trường.

Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc thu mua của Hệ thống siêu thị BigC nêu thực trạng, đối với việc thu mua lâu dài, ổn định các sản phẩm đã được công nhận, gắn các hạng sao thuộc Chương trình OCOP, doanh nghiệp vẫn gặp tình trạng nhiều vườn chưa có tâm thế sẵn sàng đưa sản phẩm đi xa. Khi vào siêu thị, nhà vườn chưa đảm bảo số lượng thường xuyên nên khi khách hàng đến siêu thị đã quen sản phẩm rồi thì lại không kịp sản phẩm để lên kệ siêu thị, như vậy rất khó cho việc bày bán thường xuyên.

Đề cập đến việc cần thiết chủ động nguồn nguyên liệu, sản lượng đảm bảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng,  các địa phương cần chú trọng hơn trong việc xác định vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, huy động nguồn lực cộng đồng tham gia để các sản phẩm tiềm năng sớm được thẩm định, công nhận và gắn sao của Chương trình OCOP.

Nhấn mạnh đến vấn đề vừa đảm bảo sản lượng và tăng cường xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi trong tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm OCOP phải gắn với thị trường tiêu thụ, ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đây là vấn đề tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm, nhất là gắn kết sản phẩm với các hệ thống bán lẻ lớn trên toàn quốc. Nhiều sản phẩm OCOP của Đồng Tháp đã được các hệ thống bán lẻ đưa vào tiêu thụ nhưng cũng còn nhiều sản phẩm chưa đáp ứng đủ sản lượng mà hệ thống yêu cầu.

Thời gian tới tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm..

*Nâng giá trị sản phẩm

Đề cập về những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trung tâm Phát triển nông thôn, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, có thể tạo ra giá trị tăng thêm cho các sản phẩm OCOP - những sản phẩm được khai thác từ tài nguyên bản địa của mỗi miền quê, bằng cách đưa các câu chuyện vào từng sản phẩm, hướng dẫn người dân giới thiệu về sản phẩm gắn với lịch sử, văn hóa...

Theo bà Trang, thực tế hiện nay, với việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, nhất là các sản phẩm gắn với hoạt động du lịch, nhiều nơi người dân còn gặp khó khăn ở khâu giao tiếp, không có "câu chuyện" để dẫn dắt, giới thiệu về sản phẩm. Cho nên, dù sản phẩm có ngon, sạch và bổ dưỡng, độc đáo nhưng vẫn chưa hấp dẫn được khách hàng.

Tại Hội chợ triển lãm Nhịp cầu xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp 2019 với chủ đề “Sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) - Phát huy giá trị bản địa” diễn ra tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vào cuối năm 2019, khá nhiều khách hàng đã dừng chân tại gian hàng giới thiệu sản phẩm Nước mắm cá linh Dì Mười (trụ sở ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) để nghe chủ cơ sở giới thiệu về quy trình ủ,ướp để có được sản phẩm nước mắm cá linh truyền thống thơm ngon.

Chủ cơ sở chính là chị Phan Thị Kim Diệu, người đã đoạt giải Nhì Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2019 với dự án sản phẩm nước mắm cá linh Đồng Tháp.

Chị Diệu cho biết, khách đến hội chợ, thăm gian hàng không chỉ mua sản phẩm mà còn rất chăm chú nghe chị giới thiệu về quá trình  sản phẩm nước mắm cá linh được làm từ nguồn nguyên liệu cá linh non, ủ với muối tinh kiết, không có chất bảo quản, không chất điều vị, chiết rót công phu để cho ra sản phẩm mắm truyền thống được chứng nhận là sản phẩm OCOP, đạt 3 sao.

Theo chị Phan Thị Kim Diệu, không dừng lại ở sản phẩm nước mắm đạt cấp độ 3 sao, mỗi tháng cung ứng ra thị trường từ 500 - 600 lít mắm cá linh truyền thống. Thời gian tới, chị sẽ tiếp tục cải tiến mẫu mã sản phẩm, làm việc với một số nhà cung ứng để sản phẩm nước mắm cá linh ngày càng được khẳng định thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục