Tham vấn Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2025

12:42' - 04/05/2017
BNEWS Ông Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại nhấn mạnh, mặc dù thương mại trong nước có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng đến nay vẫn chưa có chiến lược phát triển.
Tham vấn Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2025. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Hội thảo tham vấn về “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2035“ được Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng 4/5 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, đây là bước kế tiếp một cách liên tục và thống nhất trong tổng thể quá trình phát triển thương mại trong nước của Việt Nam từ trước đến nay, với mục tiêu tiếp tục đề xuất các giải pháp phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035.

Theo ông Võ Văn Quyền, chiến lược dự kiến đề cập và giải quyết được các vấn đề về tổ chức kênh phân phối truyền thống và hiện đại; về loại hình, phương thức kinh doanh; kết cấu hạ tầng thương mại; các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phù hợp với tính chất, đặc điểm của thị trường theo ngành hàng, khu vực thành thị và nông thôn.

Cùng đó, chiến lược này cũng làm rõ vai trò của nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội trong quản lý, xây dựng và phát triển hệ thống phân phối đảm bảo nâng cao vai trò, vị thế của các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Ngoài ra, hoạt động thương mại trong nước cũng cần phù hợp với các nội dung cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại song phương, đa phương khác mà Việt Nam đã và đang ký kết liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ phân phối bao gồm bán buôn, bán lẻ, đại lý và nhượng quyền thương mại.

Ông Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, mặc dù thương mại trong nước có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng đến nay vẫn chưa có chiến lược phát triển.

Vì vậy, với tư cách là cơ quan nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển thương mại, Viện nghiên cứu thương mại ủng hộ việc hoạch định chiến lược của Vụ thị trường trong nước và mong muốn chiến lược này sớm được Chính phủ ban hành.

Tuy nhiên, bản dự thảo lần 3 đề cương “Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035” đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về kết cấu, nội dung của một bản chiến lược.

Ông Phạm Nguyên Minh cho rằng cần bổ sung các vấn đề đặt ra cho thương mại trong nước trong quá trình phát triển thương mại hóa, hiện đại hóa hiện nay nhất là yêu cầu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Đặc biệt lưu ý việc xây dựng chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu và vấn đề lưu thông, phân phối hàng hóa nhập khẩu trên thị trường trường trong nước và phát triển thương mại trong nước với mục tiêu phát triển bền vững với 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông Phạm Nguyên Minh cũng thẳng thắn chỉ ra nội dung định hướng chiến lược trong dự thảo dù đã đề cập đến định hướng phát triển thương mại trong nước theo loại hình, không gian, thành phần kinh tế và mô hình tổ chức lưu thông.

Tuy nhiên, cần thể hiện rõ mức độ ưu tiên phát triển để tạo điểm nhấn trong mỗi định hướng phát triển này. Mặt khác, các nội dung định hướng chiến lược nên bám sát và phù hợp với kiểu chiến lược đã được lựa chọn.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng không nên phân nhóm giải pháp thực hiện chiến lược như trong dự thảo mà nên phân nhóm giải pháp đảm bảo huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Vì vậy, theo quan điểm hiện đại, các nguồn lực phát triển nên tập trung vào vốn, lao động, công nghệ, thể chế. Ngoài ra, mỗi nhóm giải pháp nên trình bày tương ứng với định hướng phát triển theo loại hình, không gian, thành phần kinh tế.

Chuyên gia dự án Lê Trịnh Minh Châu nêu rõ, mục tiêu phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến 2025, tầm nhìn 2035 với các dịch vụ bán buôn, bán lẻ chuyên nghiệp, hiện đại có nhiều thành phần tham gia, nhiều phương thức kinh doanh, nhiều kênh phân phối và ít khâu nấc.

Theo đó, con đường chiến lược để phát triển ngành bán buôn, bán lẻ theo định hướng tập trung hóa, tổ chức hóa, tiêu chuẩn hóa và xã hội hóa, nâng cao sức cạnh tranh của ngành trong điều kiện hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.

Vì vậy, ông Lê Trịnh Minh Châu cũng đề xuất các giải pháp chiến lược cần tập trung vào 3 nhóm chính là hoàn thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo sự thuận lợi, minh bạch và công bằng cho các doanh nghiệp bán buôn bán lẻ.

Cùng đó, đổi mới mô hình tăng trưởng thương mại gắn với tái cơ cấu ngành trên 4 trụ cột chính như tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá sang cung ứng dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng; chuyển đổi cơ cấu ngành từ truyền thống sang hiện đại; đổi mới phương thức kinh doanh lạc hậu sang dịch vụ cao; chuyển đổi sang hệ thống phân phối hiện đại, chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục