Thương hiệu quốc gia – Tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và quốc tế

18:21' - 19/04/2017
BNEWS Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ năm 2017, Chương trình Thương hiệu quốc gia sẽ có những điểm mới để phù hợp với sự thay đổi của thị trường, nền kinh tế và quá trình hội nhập.

Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục triển khai hoạt động thiết thực, như hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm; kết nối với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để giúp doanh nghiệp phát triển và quảng bá thương hiệu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu vươn tầm quốc tế. Khi doanh nghiệp có thương hiệu đạt giá trị quốc tế thì sẽ mang lại hình ảnh cho cả doanh nghiệp và Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG).

Chúng tôi chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vào những lĩnh vực sản xuất hàng hóa theo định hướng phát triển của kinh tế Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Định vị thương hiệu Việt

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ CôngThương) cho biết, việc xây dựng và phát triển THQG đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Chương trình THQG do Cục Xúc tiến thương mại thực hiện trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần vào công tác xây dựng và phát triển THQG, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.

Bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám Đốc Vinamilk tại siêu nhà máy sữa Việt Nam của Vinamilk. Ảnh: Nguyễn Á

Một trong những kết quả nổi bật là bước đầu định vị được thương hiệu Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Câu chuyện xuất ngoại của thương hiệu Vinamilk bắt đầu từ gần 20 năm trước, với 300 tấn sản phẩm sữa bột và 2.000 tấn sữa béo nguyên kem vận chuyển thành công vào Iraq năm 1998 là "phát pháo mở đường" cho các sản phẩm Vinamilk vươn ra thị trường thế giới. Cho đến nay, Vinamilk có mặt tại 43 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, Vinamilk không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu, mà còn trở thành cổ đông của nhiều công ty sữa ở các châu lục. New Zealand là điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình Vinamilk chinh phục thị trường thế giới.

Điều đặc biệt, năm 2015, Vinamilk đã tăng vốn đóng góp lên 22,81% cổ phần để sản xuất sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế.

Với tham vọng thâu tóm doanh nghiệp Driftwood của Mỹ, Vinamilk nhanh chóng nâng tổng số vốn đầu tư lên 10 triệu USD, để sở hữu 100% Driftwood vào năm 2016. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vinamilk nắm giữ hoàn toàn cổ phiếu của một thương hiệu có lịch sử 90 năm ở bang California.

Sau khi chinh phục thị trường Âu, Mỹ, Vinamilk khánh thành nhà máy sữa Angkor Milk tại Phnom Penh (Campuchia) hồi năm ngoái. Hiện Vinamilk đang triển khai nhiều dự án tại nước ngoài hiện thực hóa giấc mơ toàn cầu hóa thương hiệu Vinamilk.

Viettel cũng là một doanh nghiệp có tốc độ phát triển theo cấp số nhân, sau 10 năm tham gia hoạt động đầu tư quốc tế, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel có mặt ở 9 quốc gia với các thương hiệu các nhau, bao gồm: Halotel ở Tanzania, Movitel ở Mozambique, Telemor ở Đông Timor, Lumitel ở Burudi, Bitel ở Peru, Nexttel ở Cameroon, Unitel ở Lào, Metfone ở Campuchia và Natcom ở Haiiti.

Viettel tại Burundi được vinh danh là nhà mạng tốt nhất thế giới năm 2016. Ảnh: Viettel

Năm 2016, doanh thu từ viễn thông nước ngoài của Viettel đem về gần 1,4 tỷ USD. Viettel hiện có 100 triệu khách hàng, trong đó có hơn 35 triệu khách hàng quốc tế từ 11 quốc gia, thuộc nhóm 30 tập đoàn viễn thông có số lượng khách hàng lớn nhất trên thế giới.

Quá trình phát triển của Viettel, Vinamilk đã là minh chứng cho sự năng động và trỗi dậy vươn ra thế giới của doanh nghiệp Việt Nam. Câu xây dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới của các doanh nghiệp này là những điển hình thành công nhất trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam.

Giữ vững thị trường nội địa

Sự phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sôi động hiện nay ngày càng khẳng định thương hiệu hàng hóa là tài sản vô hình, quý giá của mỗi doanh nghiệp cũng như của mỗi quốc gia.

Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của các DN Việt Nam hiện nay phải cạnh tranh rất lớn với các DN nước ngoài ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Các DN nước ngoài thường có ưu thế lớn so với DN trong nước về tiềm lực tài chính, công nghệ.

Do đó, để có thể tồn tại và cạnh tranh với DN nước ngoài, các DN đạt THQG đã có nhiều cách làm tiên phong, đổi mới và sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Eurowindow - một trong những doanh nghiệp 6 năm liền được công nhận THQG, chia sẻ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường vai trò quản trị để đảm bảo giữ vững uy tín chất lượng sản cũng như đảm bảo các tiêu chí THQG.

Để tạo dựng thương hiệu, doanh nghiệp đã ưu tiên đầu tư chiều sâu để đổi mới công nghệ sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đến người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, Eurowindow có định hướng hướng tới các quốc gia trong khu vực ASEAN, Lào, Myanmar, phấn đấu làm sao tăng tỷ trong lên 10-20% trong tổng doanh thu toàn bộ sản phẩm bán và sản xuất được.

Mặt khác công ty hướng sang các thị trường Austrlia và Nhật Bản, những thị trường cũng có nhu cầu về sản phẩm này rất lớn".

May 10 là một trong những doanh nghiệp có tên tuổi ở cả thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

May 10 cũng là một trong những doanh nghiệp tên tuổi và phát triển mạnh cả thị trường trong và ngoài nước, là một trong những ví dụ tiêu biểu về xây dựng thương hiệu.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, doanh nghiệp đã có chiến lược đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên đầu tư chiều sâu để đổi mới công nghệ sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm.

Chính nhờ chính sách đầu tư này mà Tổng công ty đã tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng hàng đầu trong ngành dệt may Việt Nam. Những sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu May 10 cũng đã vươn ra thị trường "khó tính" như Nhật, Mỹ… và là đối tác tin cậy của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới, như: Pierre Cardin, Vanheusen, Calvin Klein, Old Navy...

Đến nay, May 10 đã có gần 200 cửa hàng và đại lý phân bổ trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam với quy chuẩn thống nhất về hình ảnh và nhận diện.

Cùng với đó là sự phát triển của Khách sạn Garco Dragon Hotel, hệ thống siêu thị M10 Mart tại Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình... với tốc độ tăng trưởng đạt trên 18%, khẳng định vị thế vững chắc của thương hiệu May 10 tại thị trường nội địa.

Ông Thân Đức Việt cho biết, kế hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, May 10 sẽ trở thành tập đoàn đa lĩnh vực, với chiến lược phát triển sản xuất gắn với dịch vụ thương mại, phát triển đầu tư mở rộng, đưa tổng tài sản tăng gấp hai lần so với hiện nay. Để làm được điều đó, May 10 đã và đang tiếp tục nỗ lực khẳng định, lan tỏa thương hiệu ra thế giới.

Trên thế giới hiện có khoảng 80 nước xây dựng chương trình THQG. Tại Việt Nam, Chương trình THQG được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003 đã thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp.

Năm đầu tiên tổ chức chương trình THQG (2008), chỉ có 30 doanh nghiệp đạt THQG, đến năm nay, có tới 88 doanh nghiệp được vinh danh. Việc có nhiều doanh nghiệp đạt THQG sẽ giúp khẳng định sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ Việt Nam ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục