Tham vấn Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030

16:54' - 02/10/2022
BNEWS Ngày 2/10, Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo tham vấn quuy hoạch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội thảo là dịp để Lạng Sơn tìm kiếm ý tưởng phát triển kinh tế xã hội, các yếu tố mới, cơ hội mới, giúp khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, định hướng mô hình phát triển, xác định ngành kinh tế động lực, các khâu đột phá với mục tiêu hướng đến là xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững.

 

Tỉnh Lạng Sơn xác định tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có nền kinh tế  hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số; Lạng Sơn trở thành vùng đất  "xanh" mới, hấp dẫn đầu tư nước ngoài với năng lượng sạch, nông nghiệp công nghiệp hóa và du lịch đẳng cấp thế giới; giữ vững vị thế là cửa khẩu thương thương mại, điểm trung chuyển đường bộ quan trọng nhất trong kết nối Trung Quốc – Việt Nam – các nước Đông Nam Á…

Tại Hội thảo, các đại biểu bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc các lĩnh vực đã chia sẻ tham luận, đóng góp ý kiến giúp cho tỉnh trong việc chỉ ra những nút thắt, những bất cập, hạn chế, những vấn đề đang là trở lực phát triển kinh tế - xã hội của Lạng Sơn; gợi mở cho tỉnh các trụ cột, các trọng điểm đột phá, ngành kinh tế động lực và các giải pháp hữu hiệu có giá trị hiện thực cao thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, Tổng Cục du lịch, trong giai đoạn tới, Lạng Sơn cần xác định các giải pháp đột phá, trước mắt là để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh trong tổng thể các giải pháp đã đề xuất.

Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh vai trò của Lạng Sơn trong liên kết phát triển kinh tế và du lịch của tiểu vùng Đông Bắc và Trung du miền núi Bắc Bộ, đặc biệt là phát huy vai trò cửa ngõ của vùng và cửa ngõ liên kết quốc tế với Trung Quốc và các nước ASEAN qua hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ của Lạng Sơn với Trung Quốc.

Tiến sĩ Dương Đình Giám, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong nội dung "Đánh giá vị thế của tỉnh đối với vùng và quốc gia, để khẳng định vị thế này với vai trò cầu nối của Trung Quốc với ASEAN thì cần cân nhắc 2 nội dung là vai trò này có tiềm năng lớn nhưng khả năng khai thác trong kỳ quy hoạch là không cao; và cần có số liệu phản ánh thực trạng khối lượng hàng hóa của Trung Quốc được vận chuyển qua các cửa khẩu của tỉnh để đến các nước ASEAN.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn, Trưởng ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh đánh giá cao các bài tham luận, ý kiến góp ý rất thẳng thắn và chất lượng, có tính lý luận và thực tiễn rất cao, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia và đại biểu đối với sự phát triển của tỉnh Lạng Sơn.

Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua và những phân tích đánh giá, đặc biệt là tiếp thu những ý kiến trong Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn cần tập trung tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo thuyết minh Quy hoạch tỉnh; trong đó, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn...

Cùng với đó, tỉnh nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tiếp tục bám sát tiến độ lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật.

"Tỉnh cũng sẽ thường xuyên cập nhật, hoàn thiện đảm bảo đúng định hướng phát triển chung, nhất là định hướng liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng đó, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2022", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục