Tham vọng tạo dựng thị trường chung của các công ty khởi nghiệp châu Âu

05:30' - 29/10/2024
BNEWS Khoảng 20 tổ chức vận động hành lang đã gửi đề xuất lên Ủy ban châu Âu (EC), kêu gọi tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập một thị trường chung dành cho các công ty công nghệ hàng đầu châu Âu
Theo báo Les Echos, bức thư ngỏ có sự tham gia của những tên tuổi lớn về đổi mới sáng tạo, với những đề xuất cụ thể gửi tới EC.

Trong lúc hệ sinh thái châu Âu vẫn đang nỗ lực tạo ra những nhà vô địch công nghệ của khối, đã có nhiều sáng kiến được đưa ra, nhưng rõ ràng là không có gì thực sự thay đổi. Tuy nhiên, từ vài tuần qua, các công ty khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm ở “lục địa Già” bắt đầu tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Lý do là vào tháng 7/2024, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã có thông báo về việc sẽ xây dựng một quy chế chung cho Liên minh châu Âu (EU), được gọi là “cơ chế thứ 28” (28th regime), cho phép các công ty đổi mới non trẻ phát triển đúng với tiềm năng.

Trên thực tế, vấn đề này đã được đề cập cách đây hơn 10 năm, nhưng chỉ mới chính thức được đề xuất trong báo cáo về khả năng cạnh tranh châu Âu do hai chuyên gia, ông Mario Drahi - cựu Thủ tướng Italy và cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - cùng với ông Enrico Letta - báo cáo viên về Tương lai Thị trường chung châu Âu, công bố cách đây ít tuần.

 

Để nâng cao nhận thức của EC, các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư châu Âu vừa đệ trình một bản kiến nghị và một bức thư ngỏ kêu gọi EU xây dựng một “thị trường chung thực sự” cho lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Bức thư có sự tham gia của các tên tuổi lớn, bao gồm nhà sáng lập Stripe, DeepL, Pigment,.. và các quỹ Index Ventures, Atomico và Sequoia Capital.

Có 4 đề xuất lớn được đưa ra: tiêu chuẩn hóa quy trình đầu tư tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư thực sự về đổi mới sáng tạo trên toàn châu Âu; thiết lập chương trình thống nhất về lựa chọn cổ phiếu cho nhân viên; đơn giản hóa các hoạt động xuyên biên giới (việc làm và dòng vốn) và số hóa hoàn toàn quy trình thành lập công ty để rút ngắn thời gian chỉ trong vài giờ.

Sau bức thư ngỏ này, khoảng 20 tổ chức vận động hành lang công nghệ châu Âu đã gửi đề xuất về “cơ chế thứ 28” tới các đại biểu và ủy viên châu Âu, trước khi các nhà lãnh đạo sẽ tham gia vào một số phiên điều trần diễn ra từ ngày 4-12/11/2024 tại Brussels. Mục tiêu chính của các đề xuất là tạo ra một nền tảng pháp lý hài hòa trên toàn EU. Tất nhiên, cơ sở pháp lý này sẽ tạo điều kiện cho cả các công ty châu Âu lẫn các công ty nước ngoài muốn “định cư” ở "lục địa Già".

“Một công ty khởi nghiệp có trụ sở chính ở châu Âu sẽ không cần phải thực hiện từng bước thủ tục theo quy định của từng quốc gia riêng rẽ. Họ sẽ không cần dịch văn bản của mình sang nhiều ngôn ngữ khác, mà đơn giản chỉ cần có một hợp đồng để gây quỹ…”, bà Maya Noël, Giám đốc France Digitale - một hiệp hội quy tụ hơn 2.500 công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư Pháp trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, nêu ý tưởng. Theo người quản lý này, điều quan trọng là phải thiết lập một chế độ số hóa hoàn toàn, yêu cầu vốn cổ phần thấp hơn quy định hiện tại đối với một công ty châu Âu (khoảng 120.000 euro).

Các nhà vận động hành lang đang tìm cách kêu gọi EC đưa ra một quy định thay vì ban hành một chỉ thị, mục đích là nhằm “tránh sự phân mảnh hơn nữa của thị trường do sự khác biệt giữa các quốc gia". Do đó, “cơ chế thứ 28” có thể trở thành một thương hiệu châu Âu mà các công ty đổi mới sẽ sử dụng để nâng cao danh tiếng của họ trên thị trường”. Điều này gợi nhắc đến cụm từ “French Tech” (công nghệ của Pháp), hiện đã trở thành một thương hiệu được công nhận rộng rãi ở châu Âu.

Các nhà vận động hành lang cũng muốn luật pháp của quốc gia nơi công ty khởi nghiệp đặt văn phòng đầu tiên ở châu Âu, phải là các quy định pháp lý chính mà công ty khởi nghiệp tuân theo trên khắp châu Âu. “Chúng ta sẽ xem quốc gia nào sẽ chiến thắng trong cuộc chiến giành được cơ sở khởi nghiệp đầu tiên ở châu Âu”, bà Maya Noël bày tỏ. Estonia có thể làm tốt nhờ số hóa mạnh mẽ các dịch vụ kỹ thuật số nhà nước. “Họ đặt ra khuôn khổ cho sự xuất hiện và phát triển của các công ty khởi nghiệp”, ông Khaled Helioui, đối tác tại Plural (một quỹ đầu tư mạo hiểm của Anh có mặt khắp châu Âu) đánh giá.

Một đề xuất khác liên quan đến chủ đề được các công ty khởi nghiệp yêu thích: cho phép lựa chọn nơi đăng ký thuế trên toàn EU cho nhân viên. 

Về phía các nhà cung cấp tài chính, điều cấp bách là phải tạo ra những nhân tố đầu tư thực sự trên khắp châu Âu. Để đạt được điều này, các nhà vận động hành lang đề xuất đưa ra các hợp đồng “đầu tư nhẹ nhàng và tiêu chuẩn hóa”, lấy cảm hứng từ đạo luật SAFE (Thỏa thuận đơn giản cho vốn chủ sở hữu tương lai) của Mỹ. 

“Chúng tôi có thể xây dựng cơ sở hạ tầng để đầu tư vào nhiều nước châu Âu vì chúng tôi có đủ khả năng để làm như vậy. Trước đây, cách tiếp cận này sẽ rất khó hình dung với một ngân quỹ nhỏ hơn”, ông Khaled Helioui cho biết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục