Tháng 6 vừa qua nóng nhất trong lịch sử

15:19' - 08/07/2024
BNEWS Thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay, đánh dấu nửa đầu năm đầy biến động với những hiện tượng thời tiết cực đoan từ lũ lụt đến hạn hán trên khắp hành tinh.

Theo số liệu thống kê được Cơ quan Giám sát Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 7/7, kể từ tháng 6/2023, đã 13 tháng liên tiếp nhiệt độ trung bình hằng tháng đều được ghi nhận là cao nhất lịch sử. Riêng tháng 6 vừa qua ghi nhận nhiệt độ trung bình bề mặt không khí là 16,66 độ C.

 

Cũng theo C3S, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng qua (từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024) đạt mức cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 0,76 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020 và 1,64 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giới hạn mức tăng nhiệt không quá 1,5 độ C được 196 quốc gia nhất trí tại Paris năm 2015 đã bị phá vỡ, bởi mục tiêu đó được đo lường trong vài thập kỷ, không phải theo từng năm riêng lẻ.

Ông Carlo Buontempo, Giám đốc C3S, nhấn mạnh đây không chỉ là một hiện tượng thống kê đơn thuần mà còn là lời cảnh báo về sự biến đổi khí hậu sâu rộng và đang diễn ra trên toàn cầu. Ngay cả khi chuỗi hiện tượng thời tiết cực đoan này kết thúc vào một thời điểm nào đó, thế giới chắc chắn sẽ chứng kiến những kỷ lục nhiệt độ mới bị phá vỡ khi Trái Đất tiếp tục nóng lên, trừ khi con người hành động ngay lập tức để giảm thiểu khí thải nhà kính.

Nửa đầu năm nay, Trái Đất đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục bao trùm nhiều khu vực trên thế giới, từ Ấn Độ và Saudi Arabia đến Mỹ và Mexico. Nắng nóng gay gắt gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe con người.

Mưa lớn kéo dài, một hiện tượng mà các nhà khoa học cho rằng có liên quan đến hành tinh ấm hơn, đã gây ra lũ lụt diện rộng ở nhiều quốc gia như Kenya, Trung Quốc, Brazil, Afghanistan, Nga và Pháp. Tuần trước, bão Beryl đã trở thành cơn bão Đại Tây Dương cấp 5 sớm nhất từng được ghi nhận khi quét qua một số đảo ở Caribe.

Nhà khoa học Julien Nicolas tại C3S cho biết nhiệt độ tăng cao xảy ra trùng với El Nino, một hiện tượng tự nhiên góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, ông cho rằng đây chỉ là một trong nhiều yếu tố dẫn tới chuỗi nhiệt độ cao kỷ lục.

Nhiệt độ bề mặt biển cao kỷ lục ở Đại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng góp phần vào sự nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ bề mặt biển đạt một cột mốc riêng biệt vào tháng 6 - đánh dấu tháng thứ 15 liên tiếp đạt mức cao mới, một điều mà ông Nicolas mô tả là "đáng kinh ngạc".

Các đại dương bao phủ 70% bề mặt Trái Đất và hấp thụ 90% lượng nhiệt dư thừa liên quan đến việc phát thải khí nhà kính ngày càng tăng, ảnh hưởng đáng kể đến nhiệt độ không khí toàn cầu.

Ông Nicolas giải thích những gì xảy ra với bề mặt đại dương có tác động quan trọng đến nhiệt độ không khí phía trên bề mặt và nhiệt độ trung bình toàn cầu. Tuy nhiên, Trái Đất sắp chuyển sang giai đoạn La Nina có xu hướng giúp hạ nhiệt, qua đó có thể làm giảm nhiệt độ không khí toàn cầu trong những tháng tới.

Mặc dù vậy, nếu nhiệt độ bề mặt nước biển vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục, 2024 có thể vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất kể từ khi có các thống kê về nhiệt độ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục