Thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc vượt Đức

07:16' - 25/01/2021
BNEWS Viện Ifo, có trụ sở tại Munich (Đức), cho biết thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc, thước đo lưu lượng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đã tăng hơn gấp đôi lên 310 tỷ USD vào năm ngoái.

Theo khảo sát của Viện Ifo, thặng dư tài khoản vãng lai năm 2020 của Đức đã giảm năm thứ năm liên tiếp và Trung Quốc vượt qua nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để trở thành quốc gia có thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới.

Số liệu thống kê cho thấy do cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, nhu cầu gia tăng trên toàn cầu đối với đồ bảo hộ y tế và thiết bị điện tử đã giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.

Viện Ifo, có trụ sở tại Munich (Đức), cho biết thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc, thước đo lưu lượng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đã tăng hơn gấp đôi lên 310 tỷ USD vào năm ngoái.

Trong khi đó, thặng dư tài khoản vãng lai của Đức giảm xuống 261 tỷ USD trong năm 2020 do nhu cầu đối với ô tô, máy móc và thiết bị tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ chốt của nước này sụt giảm. Nhật Bản đứng thứ ba với thặng dư tài khoản vãng lai 158 tỷ USD.

Tuy nhiên, tính trên quy mô kinh tế, thặng dư tài khoản vãng lai của Đức vẫn ở mức cao 6,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020, chỉ giảm nhẹ so với mức 7,1% GDP trong năm 2019.

Kể từ năm 2011, thặng dư tài khoản vãng lai của Đức luôn ở trên ngưỡng cho phép của Liên minh châu Âu là 6% GDP và đã lên mức cao kỷ lục 8,6% GDP vào năm 2015.

Cũng theo cuộc khảo sát, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc năm ngoái ở mức 2,1% GDP và của Nhật Bản là 3,2%.

Mỹ vẫn là quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới, khi tăng khoảng 33% lên 635 tỷ USD trong năm 2020, tương đương 3,1% GDP.

Điều này cho thấy rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không thể đẩy lùi thâm hụt thương mại bất chấp những nỗ lực của ông nhằm bảo vệ việc làm của lao động trong nước, với việc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nước ngoài.

Nhà kinh tế Christian Grimme của Ifo cho rằng những biện pháp hạn chế đối với hoạt động di chuyển và du lịch đã khiến mức thâm hụt trong lĩnh vực dịch vụ, thường ở mức cao của Đức, giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Theo nhà kinh tế này, trong năm qua, người Đức đã chi ít hơn đáng kể cho du lịch nước ngoài so với các nước khác như Tây Ban Nha, Italy hay Hy Lạp./.

>>Trung Quốc vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu số một của Israel

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục