Thành công trong chiết xuất vàng và bạch kim từ nước thải

19:02' - 12/08/2021
BNEWS Các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc chiết xuất vàng, bạch kim và các kim loại khác từ hệ thống cống thoát nước của thành phố Brussels.

 

Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Tự do Bỉ tiếng Hà Lan (VUB) và Đại học Tự do Bỉ tiếng Pháp (ULB) đã thành công trong việc chiết xuất vàng, bạch kim và các kim loại khác từ hệ thống cống thoát nước của thành phố Brussels.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, công trình này là một phần trong dự án Sublimus của Viện Nghiên cứu Meurice ở Anderlecht.

Dự án được khởi xướng vào tháng 3/2019 nhằm đo lường số lượng vàng, bạch kim, niken và đồng có trong nước thải của thành phố Brussels nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân.

Tiến sĩ Natacha Brion, Khoa Phân tích, môi trường và địa lý của VUB, giải thích: “Trong một thế giới mà nguyên liệu thô ngày càng trở nên khan hiếm, điều quan trọng là phải đánh giá tiềm năng tái chế của các dòng nước chất thải không sử dụng hiện có, chẳng hạn như bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải.”

 Được biết, nguồn cung về kim loại như chì, thiếc, kẽm, vàng và bạc trên thế giới hiện nay dự kiến sẽ đủ dùng trong khoảng 20 năm, sau đó nguồn cung này sẽ bị cạn kiệt hoặc không còn hiệu quả kinh tế để khai thác.

Vì vậy, việc khai thác kim loại, đặc biệt là kim loại quý từ nguồn nước thải có thể là một nguồn thay thế khả quan.

Các kim loại quý và nặng đi vào hệ thống nước thải từ nhiều quá trình: ăn mòn đồ trang sức, sử dụng trong thuốc men hoặc trong các bộ chuyển đổi chất xúc tác được trang bị cho các phương tiện cơ giới...

Các kim loại này cuối cùng có mặt trong bùn, cặn còn lại sau khi nước trong hệ thống cống đã được lọc sạch.

Trước đó, các loại bùn này từng được đưa tới các trang trại để dùng làm phân bón, nhưng hàm lượng kim loại nặng cao trong các loại bùn này dẫn đến việc chính giới Bỉ cấm các chủ trang trại sử dụng chúng.

Do vậy, một khi kim loại được sàng lọc từ loại bùn này thành công thì điều đó thực sự là “một công đôi việc”: vừa khai thác được kim loại, cung cấp một nguồn kim loại có giá trị thay thế, vừa làm sạch môi trường, làm sạch nguồn nước và bùn bị nhiễm kim loại nặng.

Tiến sĩ Brion cho biết: “ Một lượng lớn bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải cho thấy hàm lượng kim loại độc hại cao. Và cho đến nay, hầu như không có giải pháp nào khác ngoài việc tiến hành đốt, với các chi phí phát sinh và rủi ro môi trường đi kèm.

Do đó, khai thác và tái chế kim loại từ bùn trong nước thải sinh hoạt không chỉ là một cách giải quyết tình trạng khan hiếm kim loại mà còn có thể biến một chất thải độc hại thành một nguồn nguyên liệu chính thức.”

Dự án Sublimus dự kiến sẽ được thực hiện đến tháng 2/2022. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng có thể khai thác được 10 kg vàng và 1 kg bạch kim từ hệ thống thoát nước của vùng thủ đô Brussels mỗi năm.

Theo tỷ giá hiện hành, số lượng kim loại quý này lần lượt có tổng trị giá tương đương với số tiền là 555.900 USD và 32.853 USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục