Thanh Hóa có thể giải quyết việc làm cho 90% lao động trở về từ vùng dịch

09:11' - 08/09/2021
BNEWS UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành phương án số 198/PA-UBND về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong cách ly.

Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, nhu cầu việc làm, học nghề của lao động trở về từ vùng dịch, trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, kết nối cung - cầu lao động theo các hình thức: Tư vấn trực tiếp, tư vấn tập trung, thông qua phiên giao dịch việc làm/ngày hội việc làm (định kỳ hàng tuần, hàng tháng), tư vấn qua điện thoại, trang thông tin điện tử.

Sở phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thống kê, cập nhật danh sách người lao động trở về từ vùng dịch để tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động và theo dõi tình trạng việc làm của người lao động. Cùng với đó, cung cấp danh sách cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ điều kiện dạy nghề để các địa phương lựa chọn ký hợp đồng đào tạo nghề cho người lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động tại doanh nghiệp.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức khảo sát, nắm tình hình, số lượng, phân loại đối tượng người lao động địa phương trở về từ vùng dịch có nhu cầu việc làm, học nghề. Các địa phương lựa chọn và ký hợp đồng với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo cho người lao động trở về từ vùng dịch.

Ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, mục đích của phương án nhằm hỗ trợ người lao động địa phương trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly được đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phù hợp trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính. Qua đó, giúp người lao động vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Theo khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 27/4/2021 đến nay, số công dân là người địa phương trở về từ vùng dịch khoảng 166.300 người (có trên 6.200 trẻ em). Trong đó, số người đang thực hiện cách ly khoảng 43.200 người; người đã hoàn thành xong việc cách ly khoảng 123.100 người.

Lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), không có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 65%. Có 20% trong số lao động này thuộc nhóm tuổi từ 41 trở lên sẽ gặp khó khăn trong đào tạo chuyển đổi nghề do thói quen lao động, trình độ học vấn, khả năng tiếp thu hạn chế, tâm lý ngại học nghề.

Khoảng 35% lao động trở về từ vùng dịch có giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại vùng dịch; số lao động này phần lớn vẫn còn nguyện vọng hết dịch sẽ trở lại chỗ làm việc cũ.

Theo khảo sát của Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay là gần 33.300 người (trong đó lao động nữ chiếm 70%).

Các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn như: Công ty trách nhiệm hữu hạn ROLLSPORT 1 Việt Nam (tuyển 1.100 lao động); Công ty trách nhiệm hữu hạn giầy Aleron Hoàng Long (tuyển 2.000 lao động); Công ty trách nhiệm hữu hạn giầy ROLLSPORT 2 Việt Nam (tuyển 3.700 lao động); Công ty trách nhiệm hữu hạn Ny Hoa Việt (tuyển 2.000 lao động)…

Do yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp về trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao, chủ yếu là lao động phổ thông nên khả năng giải quyết việc làm cho lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch đáp ứng khoảng 90%.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục