Thanh Hóa: Khan hiếm lao động đi biển đầu năm

10:04' - 24/03/2022
BNEWS Sau Tết Nguyên đán là thời điểm ngư dân tất bật chuẩn bị cho phiên biển đầu năm. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm lao động biển xảy ra nhiều năm nay khiến các chủ tàu lo lắng.

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 6.694 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có 1.172 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại là tàu vùng lộng và gần bờ. Sau Tết Nguyên đán là thời điểm ngư dân tất bật chuẩn bị cho phiên biển đầu năm. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm lao động biển xảy ra nhiều năm nay khiến các chủ tàu lo lắng.

 

Tại cảng cá Lạch Hới, thành phố Sầm Sơn, dù đang là thời điểm ra khơi đầu năm nhưng nhiều tàu cá vẫn nằm bờ. Với ông Trần Văn Phụng, 63 tuổi, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, chủ tàu TH 92555 TS, đây là thời điểm khó khăn nhất trong mấy chục năm đi biển của ông. Qua Tết, cùng với việc giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, cộng với tình trạng khan hiếm lao động, tàu của ông phải “nằm bờ”.

Ông Phụng cho biết, thời điểm lao động nghề biển còn dồi dào, tàu của ông thường đánh lưới vây, mỗi chuyến đi tầm 15 ngày với khoảng từ 15 đến 20 lao động. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, lao động đi biển khó tìm và ngày càng khan hiếm, ông chuyển sang đi mành, rút ngắn số lao động xuống còn khoảng 7 đến 8 người.

“Đi lưới vây, sản lượng đánh bắt hải sản cao hơn, nhưng cũng đòi hỏi nhiều lao động hơn, đặc biệt lao động phải trẻ, khoẻ, có kinh nghiệm. Nhưng hiện nay, lao động trẻ trong vùng không còn mặn mà với nghề; chuyển hướng đi xuất khẩu lao động với thu nhập cao hơn, nên việc tìm lao động, đặc biệt thời điểm sau Tết rất khó khăn.

Các chủ tàu chấp nhận tuyển lao động ở khắp nơi, thậm chí cả lao động trên miền núi, vừa học vừa làm. Nghề đi biển với đặc thù khó khăn vất vả; sinh hoạt trên biển thiếu thốn, thu nhập không cao, do đó mặc dù đã có chính sách thu hút nhưng đa phần lao động không phải người vùng biển chỉ gắn bó thời gian ngắn là bỏ đi tìm việc khá”, ông Phụng chia sẻ thêm.

Chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Công, chủ tàu TH 90808 TS, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, cũng lao đao tìm lao động đi biển. "Qua Tết, nhiều lao động chuyển hướng đi học nghề; xuất khẩu lao động hoặc tìm được công việc phù hợp với mức thu nhập cao hơn nên đã bỏ nghề. Tôi may mắn vẫn giữ chân được hơn 10 lao động gắn bó với nghề hơn chục năm nay.

Thời điểm này, dù phải bù lỗ nhưng tàu của gia đình tôi vẫn phải vươn khơi để tạo việc làm cho anh em. Thực tế số lao động đi biển đang ngày càng già hóa, với độ tuổi trung bình từ 45 đến 60 tuổi nên chỉ vài năm nữa khi số lao động này không còn khả năng đáp ứng cho những chuyến vươn khơi dài ngày, việc tìm lao động thay thế rất khó khăn.

Nghề biển với đặc thù công việc khó khăn, vất vả đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, vươn khơi dài ngày, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và thu nhập không cao nên đa phần không thu hút được lao động trẻ, khỏe, có tay nghề”, anh Công trăn trở.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, cán bộ phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, địa bàn phường có 207 phương tiện khai thác, đánh bắt hải sản; trong đó, có 163 phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 đến 1.000CV; còn lại là tàu, thuyền công suất nhỏ. Với số lượng tàu, thuyền tương đối lớn, địa phương cần gần 1.600 lao động nghề biển mới đáp ứng đủ nhu cầu.

Thời điểm hiện tại, do nhiều nguyên nhân như giá xăng dầu tăng; sản lượng đánh bắt hải sản giảm, người lao động còn mặn mà với nghề biển. Nhiều thuyền viên đã chuyển hướng đi học nghề theo các tàu vận tải; số khác chuyển sang những nghề phù hợp hơn với nhu cầu. Các chủ tàu lớn gặp rất nhiều khó khăn; nhiều phương tiện phải nằm bờ nhiều ngày vì không đủ khả năng bù lỗ và nhân lực để vươn khơi.

Chia sẻ với khó khăn của các chủ tàu, hằng năm, phường Quảng Tiến đều tổ chức Ngày hội ra quân nghề cá. Đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tuyên truyền, chia sẻ, động viên. Chỉ mong thời gian tới, giá xăng dầu ổn định trở lại; mỗi chuyến vươn khơi không phải bù lỗ tiền dầu, để ngư dân có thêm động lực quay trở lại với nghề truyền thống của địa phương.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục