Thanh Hóa: Ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và mở cửa đón khách tham quan khu Lam Kinh

21:59' - 02/04/2022
BNEWS Thanh Hóa là 1 trong 4 địa phương được Tổng cục Du lịch lựa chọn để xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Nhằm giới thiệu, tuyên truyền các điểm đến du lịch của tỉnh Thanh Hoá qua ứng dụng du lịch thông minh đến khách du lịch và hưởng ứng chương trình mở lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Ngày 2/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá tổ chức “Lễ ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh, tỉnh Thanh Hoá”.

Tại buổi Lễ, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, với định hướng thúc đẩy chuyển đổi số ở các địa phương, Thanh Hóa là 1 trong 4 địa phương được Tổng cục Du lịch lựa chọn để xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Năm 2021, Tổng cục Du lịch, Tổng Công ty viễn thông Mobifone và UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký kết “Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Thanh Hóa thông qua chuyển đổi số và du lịch thông minh”. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai các chương trình hợp tác chuyển đổi số phục vụ phát triển du lịch địa phương một cách bền vững, lâu dài.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng mong muốn tỉnh Thanh Hóa sẽ khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tập trung chuyển đổi số, tạo bước đột phá phát triển du lịch thông minh. Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ Thanh Hóa trong việc kết nối cơ sở dữ liệu du lịch, truyền thông quảng bá du lịch, khuyến khích các cơ sở kinh doanh du lịch điểm đến tham gia ứng dụng du lịch thông minh.

Dự án du lịch thông minh tại Thanh Hóa được triển khai trong 2 giai đoạn: giai đoạn 1 đã tập trung xây dựng ứng dụng du lịch thông minh và thành công số hóa nhiều địa điểm du lịch của Thanh Hóa với các tính năng: trải nghiệm du lịch VR 360; trải nghiệm du lịch nội khu bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường AR; tìm kiếm và tra cứu thông tin du lịch.

Hiện tại tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Mobifone thực hiện số hoá du lịch tại các địa danh nổi tiếng, như: khu di tích Lam Kinh; Pù Luông; Thành nhà Hồ; Đền Nưa - Am Tiên.

Trong giai đoạn 2 sắp tới, sẽ tập trung phát triển các tính năng nâng cao về kết nối các tổ chức lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu giải trí.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa- Nguyễn Văn Thi cho biết, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các khu du lịch trọng điểm; trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch tự động; 100% các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được lắp dựng hệ thống mạng internet không dây công cộng phục vụ khách du lịch; 100% máy tra cứu thông tin du lịch và dịch vụ được lắp tại các khu vực: Cảng hàng không Thọ Xuân, ga Thanh Hóa, cửa khẩu quốc tế Na Mèo và các khu du lịch trọng điểm.

Để đạt mục tiêu trên trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai các sản phẩm thực tế ảo, thực tế tăng cường tại các khu, điểm du lịch; khẩn trương hoàn thiện dự án Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông tin trên thiết bị di động tại tỉnh Thanh Hóa; nghiên cứu cập nhật, số hóa dữ liệu du lịch Thanh Hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong đăng ký điểm đến, dịch vụ an toàn trên bản đồ ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”; chào và bán dịch vụ online, thanh toán trực tuyến...

Cùng ngày, Sở văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh  Hóa cũng công bố đón khách tham quan tại khu Chính điện Lam Kinh. Chính điện Lam Kinh là công trình kiến trúc gỗ lớn nhất và phức tạp nhất, do đó, phải mất nhiều thời gian, công sức để tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu, sản xuất các mẫu trang trí con giống, hoa văn và lựa chọn phương án thi công, bảo đảm đúng quy trình thi công thủ công truyền thống.

Chính điện Lam Kinh bề thế và có giá trị to lớn về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật. Đồng thời, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, mỹ thuật cung đình – biểu tượng cho tài năng và đức độ của đức vua Lê Thái Tổ tỏa rạng thiên hạ (Quang Đức), đề cao, tôn sùng đạo hiếu (Sùng Hiếu) và đặc biệt là khát vọng vun đúc, kéo dài sự tốt lành cho vương triều và quốc gia Đại Việt (Diên Khánh).

Có thể nói, Chính điện Lam Kinh mang đậm phong cách kiến trúc thời Lê và là công trình điêu khắc gỗ được chạm khắc tỉ mỉ, công phu, với hơn 2.000m3 gỗ lim được thợ lành nghề thi công trong suốt nhiều năm.

Cùng với công trình Chính điện hiện nay nội thất Chính điện cũng cơ bản hoàn thiện, chúng ta có thể thấy nổi bật ở đây là sự trau truốt, tỷ mỷ, công phu và bề thế, toát lên sự tôn nghiêm, thành kính. Có thể khẳng định, sự hiện hữu của tòa Chính điện ví như linh hồn của di sản, đã mang lại cho Lam Kinh một diện mạo Kinh đô cổ xưa…

Những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, văn hoá của Lam Kinh đã và đang tiếp tục được tôn vinh, gìn giữ, để mãi tỏa sáng biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng, chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt hùng cường./.

>>>Hội chợ du lịch VITM 2022: "Cháy" tour kích cầu ngay trong ngày khai mạc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục