Thanh khoản giảm sâu, khối ngoại bán ròng gần 500 tỷ đồng

17:58' - 09/09/2024
BNEWS Thanh khoản giảm rất sâu trong phiên hôm nay 9/9, cùng với lực bán ròng mạnh của khối ngoại, thị trường chìm trong sắc đỏ.

Chốt phiên giao dịch ngày 9/9, VN-Index giảm 6,23 điểm xuống 1.267,73 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 497,5 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 11.693 tỷ đồng. Toàn sàn có 104 mã tăng giá, 282 mã giảm giá và 85 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 1,19 điểm xuống 233,46 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 59,3 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1.120 tỷ đồng. Toàn sàn có 45 mã tăng giá, 90 mã giảm giá và 73 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,37 điểm xuống 93 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 24,3 triệu đơn vị, tương ứng gần 423 tỷ đồng. Toàn sàn có 130 mã tăng giá, 115 mã giảm giá và 97 mã đứng giá.

Rổ cổ phiếu VN30 có tới 23 mã giảm giá, trong khi chỉ có 3 mã tăng giá và 4 mã đứng ở tham chiếu. Giảm mạnh nhất là 2 mã cổ phiếu họ Vingroup là VIC giảm 2,13%, VHM giảm 2,05%.

Cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt giảm giá, nhưng mức giảm không lớn. Nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm khá mạnh với SHS giảm 2,56%, CSI giảm 2,28%, SSI giảm 1,5%...

Tại nhóm cổ phiếu bảo hiểm, các mã ABI, BHI, BMI, BVH, MIG, PVI, VNG đều ở chiều giảm giá.

Ngành viễn thông có mức giảm mạnh nhất thị trường do mã VGI giảm 0,79%, ELC giảm 2,1% và VNZ giảm 14,93%.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng khá mạnh, chủ yếu là nhờ mã BSR tăng 2,18%, PVS tăng 0,49% và PVD tăng 0,75%.

Khối ngoại hôm nay bán ròng 469 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, khối ngoại bán ròng 484 tỷ đồng trên HOSE. Cổ phiếu FPT bị bán ròng mạnh nhất, với gần 109 tỷ đồng. Các mã MSN và HPG bị bán ròng lần lượt là  79 tỷ đồng và 77 tỷ đồng.

Trên HNX, khối ngoại cùng bán ròng 1 tỷ đồng. Trong khi đó, họ mua ròng  16 tỷ đồng trên UPCOM.

Trong báo cáo chiến lược tháng 9 với chủ đề “vượt bão”, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, nêu nhìn theo yếu tố lịch sử, chỉ số VN-Index tăng trưởng bình quân âm 0,6% trong 14 năm gần nhất, tháng 9 thông thường là tháng không nhiều biến động trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trừ các năm bị tác động mạnh bởi tỷ giá như năm 2022 và năm 2023. Tuy nhiên, tăng trưởng VN-Index trong quý IV hàng năm, bình quân đạt mức tích cực 3,3%.

SSI cho biết, P/E Forward (giá ước tính trên thu nhập trong tương lai) của VN-Index tăng nhẹ lên 11,6 lần vào ngày 6/9/2024, mức hấp dẫn hơn so với một số thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á.

 Các thị trường chứng khoán Đông Nam Á tạo điểm sáng trong nhịp hồi phục trong tháng 8 vừa qua. Trong bối cảnh khả năng các thị trường mới nổi hưởng lợi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ thì yếu tố định giá hấp dẫn có thể là một điểm đến của dòng tiền.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có lợi thế, đã phục hồi ấn tượng trong tháng 8 nhờ xu hướng hồi phục của nền kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận tích cực trên diện rộng.

Dựa trên danh sách theo dõi của SSI, tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ có thể đạt mức 21,7% trong 6 tháng cuối năm 2024; tăng tốc đáng kể so với mức chỉ 6,2% trong 6 tháng đầu năm.

Trong khi đó, dòng tiền từ khối nhà đầu tư trong nước kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi Ngân hàng Nhà nước có thể điều hành chính sách theo hướng nới lỏng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức hạ lãi suất và đồng USD hạ nhiệt.

Nhìn chung, mặc dù có thể còn những biến động khi phải thận trọng theo dõi các dữ liệu về các kịch bản của nền kinh tế Mỹ, đã có nhiều hơn các yếu tố có thể tác động tích cực lên lên thị trường chứng khoán Việt Nam cho giai đoạn cuối năm khi tăng trưởng đi kèm với chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ.

“Chúng tôi kỳ vọng điểm số và thanh khoản của thị trường sẽ khởi sắc hơn trong 2 tuần cuối tháng 9 khi trọng tâm theo dõi sẽ quay lại tập trung vào các yếu tố nội tại trong nước”, SSI nhận định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục