Thanh khoản vụt tăng lên mốc tỷ USD, VN-Index tiến sát mốc 1.290 điểm

17:12' - 25/09/2024
BNEWS Sau diễn biến tăng mạnh của thị trường chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay giao dịch sôi động với thanh khoản đạt tới hơn 24.734 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD).

Dòng tiền chảy mạnh vào các nhóm cổ phiếu giúp sắc xanh lan tỏa; trong đó, đáng chú ý nhất là 3 nhóm cổ phiếu gồm ngân hàng, thép và chứng khoán.

Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ còn duy nhất CTG giảm giá, trong khi có tới 21 mã tăng giá. Tại nhóm cổ phiếu thép, HPG tăng 1,35%, HSG tăng 2,73%, NKG tăng 2,84%...

Tại nhóm cổ phiếu chứng khoán chỉ còn VUA, HAC giảm giá. Các mã SSI, SHS, VDS, VND, MBS, HCM, CTS, FTS... đều ở chiều giá xanh. Rổ cổ phiếu VN30 hôm nay có tới 23 mã tăng và chỉ có 7 mã giảm giá.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe giảm mạnh nhất thị trường do DHG giảm 0,19%, DCL giảm 0,55%, DVN giảm 2,81% và IMP giảm 2,9%.

Điểm tích cực là sau phiên bán ròng mạnh (24/9), khối ngoại hôm nay đã trở lại mua ròng 557 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Cụ thể, khối ngoại mua ròng 543 tỷ đồng trên HOSE. VCI được khối ngoại mua mạnh nhất trên HOSE với giá trị hơn 90  tỷ đồng. Tiếp đến, MWG và TCB được mua ròng 84 và 79 tỷ đồng. Khối ngoại cũng  mua ròng 2 tỷ đồng trên HNX và 12 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.

Chốt phiên giao dịch hôm nay 25/9, VN-Index tăng 10,49 điểm lên 1.287,48 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 992,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 22.791,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 276 mã tăng giá, 127 mã giảm giá và 71 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 1,52 điểm lên 235,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 85,3 triệu đơn vị, tương ứng trên 1.567,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 94 mã tăng giá, 61 mã giảm giá và 65 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,31 điểm xuống 93,5 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 60,7 triệu đơn vị, tương ứng trên 796 tỷ đồng. Toàn sàn có 174 mã tăng giá và 127 mã giảm giá, 95 mã đứng giá.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tích cực ngay khi mở cửa phiên hôm nay, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đi lên trước đó.

Cụ thể, thị trường chứng khoán thế giới đã tăng mạnh trong phiên ngày 24/9 sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) công bố các biện pháp kích thích mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sau một loạt dữ liệu kinh tế yếu kém đã làm dấy lên lo ngại về tình hình sức khỏe tài chính của Trung Quốc và đặc biệt là ngành bất động sản, PBoC cho biết sẽ cắt giảm một loạt lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng.

Sự lạc quan về động thái của Trung Quốc đã giúp Phố Wall bỏ qua dữ liệu về niềm tin tiêu dùng đáng thất vọng của Mỹ.

Tiếp nối đà tăng lớn ở thị trường Hong Kong và Thượng Hải, chứng khoán Phố Wall cũng tăng cao hơn, đưa chỉ số Dow Jones và S&P 500 lên mức cao kỷ lục mới.

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,2% lên 42.208,22 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 5.732,93 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,6% lên 18.074,52 điểm.

Thị trường chứng khoán Paris dẫn đầu ở châu Âu, đóng cửa với mức tăng 1,3% khi ngành thời trang xa xỉ được thúc đẩy bởi hy vọng nhu cầu của Trung Quốc sẽ phục hồi. Tại Paris, chỉ số CAC 40 tăng 1,3% lên 7.600,17 điểm.

Tại London, chỉ số FTSE 100 tăng 0,3% lên 8.282,76 điểm, nhờ sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu ngành khai khoáng trước thông tin từ Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới. Còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tăng 0,8% lên 18.996,63 điểm, “phớt lờ” thông tin về niềm tin kinh doanh của Đức đã xấu đi lần thứ tư liên tiếp tính đến tháng 9/2024.

Nhìn chung các động thái của PBoC đã tiếp thêm sức mạnh cho thị trường sau khi các chỉ số chứng khoán tăng mạnh vào tuần trước khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong hơn bốn năm.

Các nhà giao dịch hiện đang chờ đợi chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 27/9. Đây được xem là thước đo lạm phát ưa thích của Fed, để có thể tìm thêm manh mối về động thái lãi suất tiếp theo của Fed.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục