Tháo điểm nghẽn về BOT giao thông - Bài 7: Kinh nghiệm từ dự án BOT Bến Thủy

08:28' - 19/12/2017
BNEWS Bài học từ người dân Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đi khám bệnh ở thành phố Vinh (Nghệ An) chỉ chi 30.000 đồng tiền taxi, nhưng phải trả đến 80.000 đồng phí BOT trong khi không sử dụng mét đường BOT nào…
Trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy 1 sáng 6/4. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Trong ký ức nhiều người dân, đặc biệt là người dân các huyện Nghi Xuân, Thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) và huyện Hưng Nguyên, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) không thể quên những ngày tháng của năm 2016 và năm 2017 khi tại khu vực Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 bị ách tắc giao thông liên tục, kéo dài.
Tại đây người dân liên tiếp có những hoạt động, như căng băng rôn, dùng tiền lẻ mua vé, dàn hàng ngang, tụ tập đông người....

Có thời điểm có trên 100 ô tô diễu hành, hàng trăm người tụ tập gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Đây thật sự là những chuỗi ngày vất vả, mệt nhọc, mất công, tốn sức cho cả người dân, chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Nguồn gốc của sự việc trên không ngoài việc người dân phát hiện bất hợp lý trong việc thu phí, họ cho rằng mình không đi một mét đường BOT nào của chủ đầu tư là Tổng công ty Công trình giao thông 4 (Cienco4) nhưng vẫn phải mua vé khi qua Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1.
Đây là một trong hai trạm thu phí do Cienco4 quản lý, với mục đích chính là thu phí để hoàn vốn cho tuyến tránh thành phố Vinh (Nghệ An) và Quốc lộ 1A đoạn phía Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).
Vào thời điểm đó người dân liên tiếp phản ánh với các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí những bất hợp lý.

Họ dẫn chứng, có người nhà ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) sử dụng ô tô để đi làm ở thành phố Vinh (Nghệ An) chỉ cách nhà 4 km, dù không đi trên đường BOT nhưng mỗi ngày đi về 4 lượt, mất trên 150.000 đồng phí qua trạm.
Lại có người dân nhà ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đi khám bệnh ở thành phố Vinh (Nghệ An) chỉ chi 30.000 đồng tiền taxi, nhưng phải trả thêm 80.000 đồng phí BOT trong khi thực tế người này không sử dụng bất cứ mét đường BOT nào…
Bức xúc trước thực tế này, người dân đã bày tỏ phản đối ngay tại Trạm thu phí cầu Bến thủy 1.

Không dừng lại đó, hàng trăm người dân còn ký đơn tập thể gửi đến các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đề nghị được miễn phí hoặc dừng thu phí tại cầu Bến Thủy 1 để tạo công bằng cho người dân do họ không đi trên tuyến đường tránh thành phố Vinh (Nghệ An) và Quốc lộ 1A đoạn phía Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).
Trước những phản ánh của người dân và của chính quyền địa phương và cũng để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài, tháo gỡ “điểm nóng” cầu Bến Thủy, các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, như tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng các quy định của nhà nước về thu phí qua cầu Bến Thủy; phân luồng, điều tiết giao thông, tránh để ùn tắc giao thông kéo dài tại khu vực cầu Bến Thủy và tuyến Quốc lộ 1A; giảm giá vé cho phương tiện của người dân khi đi qua trạm thu phí…
Tuy nhiên, giải pháp giảm một phần giá vé đã không đem lại kết quả.

Rất đông người dân các huyện Nghi Xuân, Thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) và huyện Hưng Nguyên, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) vẫn không chấp hành mà kiên quyết phản đối việc thu phí tại cầu Bến Thủy 1, dẫn đến tình trạng nhiều người dân tiếp tục tổ chức tụ tập, treo băng rôn, khẩu hiệu, dùng tiền lẻ mua vé, dừng xe hoặc có những hoạt động khác gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Tình trạng này kéo dài liên tục không chỉ trong năm 2016.

Đến tháng 4/2017 lại tiếp diễn việc người dân tụ tập, phản đối, gây ách tắc tại khu vực cầu Bến Thủy, có những ngày đẩy lên đỉnh điểm của ách tắc giao thông và sự hỗn loạn, phức tạp tại khu vực cầu Bến Thủy.
Sau nhiều nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành liên quan, của chính quyền địa phương 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và của chủ đầu tư dự án, bắt đầu từ ngày 24/4/2017 Bộ Giao thông Vận tải quyết định miễn 100% giá vé cho các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú tại huyện Hưng Nguyên, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) và huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).

Cũng từ đó đến nay tại khu vực cầu Bến Thủy không còn tình trạng người dân gây ách tắc giao thông; việc lưu thông, đi lại trở nên bình thường.
Trở lại thời gian, qua tìm hiểu phóng viên được biết, từ năm 2001 Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng 7 công trình dự án theo hình thức BOT trong nước; trong đó có tuyến tránh thành phố Vinh (Nghệ An).

Năm 2003, Bộ Giao thông vận tải cùng Cienco4 ký hợp đồng về xây dựng - kinh doanh - chuyển giao công trình tuyến tránh thành phố Vinh (Nghệ An), hoàn vốn đầu tư dự án bằng thu phí tại trạm thu phí cầu Bến Thủy.
Đến năm 2011, Nhà nước đầu tư dự án cầu Bến Thủy 2 nối trực tiếp vào tuyến tránh thành phố Vinh.

Lúc này nhà đầu tư đề nghị lập thêm một trạm phụ tại đầu cầu Bến Thủy 2 để thu phí những xe đi từ đường tránh thành phố Vinh ra cầu Bến Thủy 2 (và ngược lại) và đã được Bộ Tài chính cùng UBND tỉnh Nghệ An thống nhất.
Thực hiện đề án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn phía Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) theo hình thức hợp đồng BOT (dự án này nối tiếp dự án BOT tuyến tránh thành phố Vinh, Nghệ An), sử dụng Trạm thu phí Bến Thủy để hoàn vốn đầu tư.
Trong quá trình thực hiện, để đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ Giao thông vận tải đã bổ sung 3 hạng mục kinh phí khoảng 600 tỷ đồng vào dự án BOT tuyến tránh thành phố Vinh (Nghệ An) và Quốc lộ 1A phía Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh).
Như vậy có thể nói lộ trình và các bước để thực hiện các dự án BOT trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh liên quan đến Trạm thu phí cầu Bến Thủy đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, có sự vào cuộc, cho phép, đồng ý của các bộ, ngành liên quan và sự thống nhất của UBND 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Tuy nhiên trên thực tế mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư vẫn xảy ra. Rõ ràng, người dân – đối tượng trực tiếp, thường xuyên qua lại trên cầu Bến Thủy 1, phải bỏ tiền túi của mình mua vé qua cầu để trả cho việc hoàn vốn các dự án BOT (mà trên thực tế chính họ không đi trên các dự án BOT này) đã nhìn thấy những bất hợp lý.
Bất hợp lý nữa là cả 2 trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 được đặt chỉ cách nhau chưa đến 2 km.

Đây không chỉ là bài học cho dự án BOT liên quan đến Trạm thu phí Bến Thủy mà cũng là bài học cho nhiều dự án BOT khác trên cả nước khi triển khai các dự án BOT chưa hoặc không dung hòa được lợi ích, quyền lợi của người dân và chủ đầu tư.

Thậm chí chỉ quan tâm, tính đến lợi ích của nhà đầu tư mà xem nhẹ quyền lợi chính đáng của người dân. Sự việc tại cầu Bến Thủy như đã nói ở trên là minh chứng rất cụ thể, rõ ràng.
Thực tế ở Nghệ An và Hà Tĩnh (cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước) cho thấy không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các dự án BOT.

Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế, việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng giao thông vận tải thông qua các dự án BOT là một chủ trương cần thiết.
Khách quan nhìn nhận nếu không có trạm thu phí Bến Thủy và không có sự vào cuộc quyết liệt của chủ đầu tư và chính quyền địa phương thì làm sao trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có được những công trình hạ tầng giao thông, cầu đường hiện đại, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân như vậy.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nếu cứ bằng mọi giá để “tận thu” hoàn vốn đầu tư, đặt trạm thu phí không hợp lý hoặc xem nhẹ quyền lợi của người dân thì vô hình dung lại có tác dụng ngược lại, lúc này thiệt hại không chỉ cho nhà nước mà còn cho cả chủ đầu tư và kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp khác không dễ giải quyết.
Chính ở vụ việc Trạm thu phí Bến Thủy, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khi đó đã phê bình các cơ quan chức năng không giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân, làm mất an ninh, trật tự, an toàn giao thông trong khu vực.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với nhà đầu tư và chính quyền địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích của người dân, kể cả làm rõ việc người dân không tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư và rà soát hết những bất hợp lý để kịp thời chỉnh sửa, báo cáo Thủ tướng.
Và ngay sau khi có quyết định miễn phí qua Trạm BOT Bến Thủy của Bộ Giao thông Vận tải, đông đảo người dân huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) bày tỏ sự đồng tình với quyết định này.
Từ thực tế tại Trạm thu phí cầu Bến Thủy bài học rút ra đó là cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thu phí; công khai, minh bạch doanh thu thu phí đối với các dự án đường bộ có thu phí; đẩy nhanh tiến độ dự án thu phí tự động không dừng xe.

Mặt khác cũng cần đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân thấy được hiệu quả đạt được và sự cần thiết phải đầu tư dự án theo hình thức BOT.

Các cơ quan chức năng cũng như nhà đầu tư cũng cần xử lý kịp thời những vướng mắc, bất cập, nhanh chóng tháo gỡ những bất hợp lý ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân...
Chỉ khi quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người dân có điểm chung hoặc tìm được tiếng nói chung thì mới có thể khẳng định được sự thành công, bền vững của một dự án BOT./.
Xem thêm:

>>>Tháo điểm nghẽn về BOT giao thông - Bài 6: BOT Cai Lậy, mong vẹn cả đôi đường

>>>Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục thu phí dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục