Tháo gỡ bất cập trong quản lý ngoại hối về thương mại biên giới Việt - Trung

12:36' - 26/05/2017
BNEWS Hồ sơ thủ tục cấp phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân quá đơn giản dẫn tràn lan, gây khó khăn cho cơ quan quản lý, ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối.

Ngày 26/5, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quản lý hoạt động ngoại hối về thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc với sự tham gia của đại diện chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc, các ngân hàng thương mại có quan hệ thanh toán biên mậu với các ngân hàng Trung Quốc và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Hội nghị nhằm lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và dự thảo Thông tư thay thế Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN về "Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc".

Tại hội nghị, bàn về sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung Nghị định 89/2016/NĐ-CP, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong những năm qua, hoạt động của các bàn đổi ngoại tệ cá nhân, đặc biệt là bàn đổi tiền Nhân dân tệ của Trung Quốc, đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Đồng thời bị biến tướng gây khó khăn cho việc quản lý ngoại hối, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ trên địa bàn các khu vực biên giới.

Hồ sơ thủ tục cấp phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân quá đơn giản dẫn đến tình trạng các bàn đổi ngoại tệ cá nhân thành lập tràn lan, gây khó khăn cho cơ quan quản lý, ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, mặc dù đã có quy định về thu hồi giấy phép đối với trường hợp vi phạm của bàn đổi ngoại tệ cá nhân nhưng do đối tượng áp dụng là cá nhân nên việc xử lý các trường hợp sai phạm gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo vai trò quản lý hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước.

Hơn nữa, các quy định của Nghị định trên không phân biệt điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ khác trong khi khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu có những đặc thù riêng biệt.

Đồng thời, hoạt động sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam ngoài việc thực hiện theo các quy định chung về quản lý ngoại hối còn thực hiện theo quy định tại các Hiệp định giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới.

Do đó cần có những điều kiện riêng, quy định riêng nhằm vừa đảm bảo kiểm soát chặt chẽ đồng thời vẫn phát huy hiệu quả sử dụng tiền của nước có chung biên giới.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, dự thảo Nghị định mới đã có những quy định tách biệt điều kiện đối với tổ chức kinh tế làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới với đại lý đổi ngoại tệ khác.

Theo đó, quy định về địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ của nước có chung biên giới đã có tính linh hoạt hơn so với địa điểm đặc đại lý đổi ngoại tệ khác. Không nhất thiết phải đặt ở một trong các điểm như cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao trở lên, cửa khẩu quốc tế, khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài, trung tâm thương mại... như quy định trước kia.

Bên cạnh đó, quy định về vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của tổ chức kinh tế cũng được bổ sung nhằm đảm bảo các tổ chức có đủ năng lực tài chính mới được xem xét cấp phép.

Đặc biệt, theo quy định hiện hành của pháp luật, cá nhân không được thành lập bàn đổi ngoại tệ. Tuy vậy, dự thảo Nghị định bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các bàn đổi ngoại tệ cá nhân theo hướng các cá nhân đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập bàn đổi tiền của nước có chung biên giới trước đây được tiếp tục thực hiện hoạt động đổi ngoại tệ trong thời gian 1 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Sau thời hạn trên, cá nhân phải thành lập doanh nghiệp để Ngân hàng Nhà nước xem xét, cấp phép thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.

Ngoài ra, Thông tư thay thế Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN về "Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc" đã bãi bỏ quy định cấp phép thu tiền mặt đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đối với doanh nghiệp kinh doanh bán hàng miễn thuế và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ dành riêng cho người nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục