Tháo gỡ cho doanh nghiệp bất động sản khi áp dụng Nghị định 20

13:28' - 14/12/2018
BNEWS Trong thực tiễn triển khai, Nghị định 20 đã nảy sinh nhiều bất cập, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Gỡ vướng cho doanh nghiệp bất động sản khi thực hiện Nghị định 20. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Ngày 14/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp bất động sản khi áp dụng Nghị định số 20/2017/NĐ - CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam cho biết, Nghị định 20 được cho là dấu mốc quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giao dịch liên kết, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống trốn thuế. Mục tiêu là để chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng trong thực tiễn triển khai, Nghị định này đã nảy sinh nhiều bất cập, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp.”
Theo ông Nguyễn Trần Nam quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc đưa ra cơ sở khống chế mức trần chi phí lãi vay sẽ tác động tiêu cực tới những doanh nghiệp có lợi nhuận thấp, nhất là với các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế. Hiện với mức trần lãi vay 20% đang là con số gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, nhất là những ngành nghề cần huy động vốn nhiều như bất động sản.
Mặc dù môi trường đầu tư hiện nay là bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là về thuế. Tuy nhiên, với những lĩnh vực đặc thù, cần lượng đầu tư lớn thì phải nghiên cứu lại tỷ lệ khống chế trần lãi vay - ông Nguyễn Trần Nam phân tích.
Ở góc độ chuyên gia, Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, tại nhiều quốc gia đang áp dụng mức 30% như Ấn Độ, trên 30% như Mỹ và Đức hay như Indonexia cũng dự kiến là 30%... Tuy nhiên tỷ lệ 20% của Việt Nam rõ ràng chưa tính đến ngành đặc thù và điểm đặc thù ví dụ như điện, bất động sản phải đi vay nhiều hoặc các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, tại Việt Nam nên đề xuất mức 30% là hợp lý, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngưỡng trung bình là 20%. Tuy nhiên, vẫn cần xem xét đặc thù của một số ngành, doanh nghiệp. Cùng đó, cần có lộ trình áp dụng để những doanh nghiệp đang có tỷ lệ vay tới 50% cần kéo về giảm dần, mỗi năm 10% chẳng hạn. Hoặc nếu áp dụng mức 30% thì cần ân hạn 3 năm kéo về...
Bà Đinh Mai Hạnh - Phó giám đốc Tư vấn thuế của Công ty Deloitte Việt Nam nhận xét, Chính phủ ban hành Nghị định 20 để quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Do đó, quy định này chỉ nên áp dụng khi doanh nghiệp có giao dịch vốn từ bên liên kết; đồng thời, phần khống chế chỉ nên tính trên phần chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết, không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh lãi tiền vay từ giao dịch vay với các bên độc lập như ngân hàng, tổ chức tín dụng. Thậm chí, hiện nay nhiều quốc gia khi vay liên kết trong nước không bị tính mà chỉ tính khi vay liên kết với nước ngoài.
Bên cạnh đó, bà Đinh Mai Hạnh cho rằng, Nghị định có hiệu lực sau hơn 3 tháng ban hành nhưng trên thực cục thuế địa phương đưa ra hướng dẫn khác nhau về thời điểm áp dụng và cách tính chi phí lãi vay vượt mức không chế đã khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện. Trong khi đó, việc này có tác động rất lớn đến cơ cấu vốn, mô hình hoạt động và ngành nghề đặc thù của các doanh nghiệp.
Ngay cả OECD cũng khuyến nghị các nước nên đưa ra lịch trình áp dụng nguyên tắc này một cách hợp lý, thận trọng, cân nhắc đến giai đoạn của doanh nghiệp, mô hình hoạt động, cơ cấu vốn... để doanh nghiệp có đủ thời gian tái cấu trúc tài chính; giảm sự ảnh hưởng đến năng lực canh tranh của các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao.
Nghị định 20 ra đời trong bối cảnh Chính phủ hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết sau khoảng 10 năn áp dụng các Thông tư hướng dẫn; đồng thời có tham chiếu đến 15 Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (BEPS) của OECD.
Đối tượng chính mà BEPS hướng đến là các Tập đoàn đa quốc gia có thể lợi dụng chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước khác nhau và dùng công cụ vốn vay để điều chuyển lợi nhuận của các công ty thành viên trong Tập đoàn với mục đích tránh thuế. Nhưng trên thực tế, việc áp dụng khống chế chi phí lãi vay ở Việt Nam đã và đang tạo ra nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các Tổng công ty, Tập đoàn hoặc công ty sử dụng vốn vay lớn trong giai đoạn đầu tư hoặc có nhu cầu vay vốn lưu động thường xuyên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục