Tháo gỡ “điểm nghẽn” vốn tín dụng đóng tàu

07:12' - 08/10/2016
BNEWS Hơn hai năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hàng trăm con tàu công suất lớn đã được đóng mới, hạ thủy,... Tuy nhiên, quá trình giải ngân nguồn vốn này vẫn chậm và còn không ít vướng mắc.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Một số chính sách phát triển thủy sản” có hiệu lực từ ngày 25/8/2014 với mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Hơn hai năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hàng trăm con tàu công suất lớn đã được đóng mới, hạ thủy. Ảnh minh họa: TTXVN

Sau hơn 1 năm thực hiện, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 để các chính sách phù hơn, sát thực tế hơn.

Hơn hai năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hàng trăm con tàu công suất lớn đã được đóng mới, hạ thủy, thỏa ước nguyện vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế bền vững và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của ngư dân.

Tuy nhiên, quá trình giải ngân nguồn vốn cho vay theo Nghị định này vẫn chậm và còn không ít vướng mắc.

Phóng viên BNEWS/TTXVN đã trao đổi với ông Trương Ngọc Anh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) về vấn đề này.

BNEWS: Theo Thông tư số 22/2014/TT-NHNN, các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối có trách nhiệm bố trí nguồn vốn và tích cực triển khai việc cho vay đối với chủ tàu theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.  Xin ông cho biết kết quả thực hiện của Agribank như thế nào?

Ông Trương Ngọc Anh - Phó tổng giám đốc Agribank. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Trương Ngọc Anh: Với vai trò chủ lực về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với quy mô đầu tư tín dụng nông nghiệp nông thôn nói chung và thủy hải sản nói riêng không ngừng mở rộng, Agribank là một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên triển khai cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ. Agribank cam kết sẵn sàng dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng cho chương trình này. 

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22/2014/NHNN-TT hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67, ngày 29/8/2014, Agribank đã ban hành Quyết định 888/QĐ-NHNo-HSX về việc ban hành quy định cho vay đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 67 trong hệ thống Agribank. Đồng thời, tổ chức tập huấn đến tất cả các chi nhánh thuộc các tỉnh có nghề khai thác thủy sản.

Đến nay 25 chi nhánh Agribank ở các tỉnh Duyên hải đã tham gia giải nhân vốn vay theo các hợp đồng tín dụng ký kết với tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 và Nghị định 89 sửa đổi là 1.581 tỷ đồng.

Số khách hàng cho vay còn dư nợ là 301 khách; trong đó có 11 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, còn lại là các cá nhân và hộ gia đình. Tổng số tàu đã cho vay là 303 tàu; trong đó có 53 tàu hậu cần đóng mới, 197 tàu khai thác đóng mới và 53 tàu nâng cấp. 

BNEWS: Được đánh giá là một trong những Nghị định ra đời kịp thời, đúng lúc, kỳ vọng sẽ “khoác áo mới” cho ngành khai thác thủy sản. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai giải ngân vốn cho chương trình này vẫn còn không ít vướng mắc.Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Trương Ngọc Anh: Khi có Nghị định 67 và sau này là Nghị định 89 sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn cụ thể các chi nhánh toàn quốc để triển khai. Thực tế cũng có không ít vướng mắc.

Đầu tiên là từ tiêu chí đối tượng cho vay. Theo quy định của Nghị định thì đối tượng cho vay phải là các chủ tàu phải đang hoạt động sản xuất, khai thác, kinh doanh thủy hải sản có hiệu quả; các trường hợp vay phải có năng lực tài chính, dự án cụ thể và phải được UBND tỉnh, thành nằm trong danh sách được triển khai Nghị định này phê duyệt. Thực tiễn không ít hồ sơ vay vốn không đáp ứng được tiêu chí này.

Ví dụ có nhiều trường hợp trước đây cũng đã từng làm nghề khai thác thủy sản nhưng tàu nhỏ, máy công suất nhỏ, khai thác kém hiệu quả nên đã ngừng sản xuất. Khi nắm được thông tin có nguồn vốn từ Nghị định 67 cũng làm hồ sơ xin vay nhưng theo quy định đối tượng vay phải là hộ đang hoạt động khai thác có hiệu quả thì các hộ này lại không đáp ứng được nên bị gián đoạn, khúc mắc. 

Bên cạnh đó, qua rà soát cũng có không ít đối tượng vay trước đây đã tham gia vay vốn ở các dự án cho vay khai thác thủy sản xa bờ khác nhưng dự án này có nhiều khó khăn, các hộ vay còn nợ các tổ chức tín dụng nên chưa đáp ứng được điều kiện cho vay. 

Khó khăn thứ hai là vấn đề lựa chọn cơ sở đóng tàu. Trước đây các hộ vay vốn được tự chọn cơ sở đóng tàu. Nhưng theo Thông tư 26/2014/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về cơ sở đóng tàu thì đối tượng vay vốn theo Nghị định 67 không phải đặt đóng tàu ở cơ sở nào cũng được, mà phải đặt đóng tàu ở các cơ sở đóng tàu đáp ứng đủ yêu cầu về mặt bằng, trình độ, kỹ thuật phục vụ chương trình cho vay theo Nghị định 67. 

Do vậy, ở một số địa phương do chưa có cơ sở đóng tàu đáp ứng được tiêu chí theo quy định nên đã có trường hợp ngư dân ở các tỉnh phía Nam như Bình Định, Vũng Tàu lại phải ra đặt đóng tàu tận Nam Định.

Điều này rất khó khăn cho ngư dân trong việc đi lại ký hợp đồng, giám sát kiểm tra chất lượng thi công các hạng mục của con tàu. Các cơ quan liên quan như ngân hàng, đăng kiểm cũng gặp rất nhiều khó khăn trong khâu giám sát.

Khâu thiết kế mẫu tàu cũng là một vướng mắc. Ngư dân muốn đóng tàu phù hợp với ngư trường đã quen, trong khi thông tư hướng dẫn yêu cầu phải đóng tàu theo thiết kế đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt nên làm kéo dài thời gian và phát sinh phí điều chỉnh thiết kế đối với chủ tàu.

Đây cũng là nguyên nhân khiến việc thương thảo, thỏa thuận hợp đồng vay vốn giữa chủ tàu và các ngân hàng thương mại còn nhiều khó khăn vì chưa thống nhất được cách tính toán đánh giá phương án vay vốn khi chưa có thiết kế tàu, dự toán chi phí, hợp đồng đóng tàu…

Thời hạn giải ngân các khoản cho vay đóng tàu sắt cho ngư dân được thực hiện đến hết ngày 31/12/2016. Ảnh minh họa: TTXVN

BNEWS:Theo Thông tư số 22, thời hạn giải ngân các khoản cho vay đóng tàu sắt cho ngư dân được thực hiện đến hết ngày 31/12/2016, có thể thấy thời gian không còn nhiều. Vậy phía ngân hàng có giải pháp và kiến nghị gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cũng như đảm bảo an toàn nguồn vốn cho vay?

Ông Trương Ngọc Anh: Về thực trạng cho vay thủy sản nói chung và đóng mới tàu thuyền khai thác thủy sản nói riêng thì có thể khẳng định đây là lĩnh vực nhiều rủi ro, trong khi ngân hàng không thể kiểm tra, giám sát được hoạt động của các tàu khai thác ngoài biển.

Do đó, chính sách bảo hiểm đối với các tàu khai thác cũng như ngư dân là rất quan trọng. Mọi khoản vay cho bám biển phải được bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, việc vay vốn đóng mới và làm chủ một con tàu hiện đại cần được đồng bộ với các vấn đề khác như đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp cho ngư dân để khai thác hiệu quả trên biển.

Các Bộ, ban, ngành quán triệt và chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách của Nghị định để đảm bảo hiệu quả đồng vốn của ngân hàng và ngư dân khi tàu vươn khơi, đồng thời, nghiên cứu và đưa ra định hướng chiến lược thực hiện mô hình chuỗi sản xuất - tiêu thụ, đảm bảo hiệu quả sản xuất của ngư dân.

Còn về thời hạn giải ngân các khoản cho vay, chương trình này được giải ngân từng phần trực tiếp cho phía đơn vị đóng tàu theo tiến độ đóng tàu, mà để hoàn thành một con tàu phải có thời gian.

Vì thế, chúng tôi kiến nghị với những hợp đồng đã ký nhưng chưa giải ngân hết, cần xem xét kéo dài thời gian tiếp tục giải ngân đến khi hoàn thành con tàu.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

>>> Bàn giao thêm 7 tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định>>> Xây dựng cơ chế hỗ trợ một lần cho đầu tư tàu cá xa bờ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục