Thất nghiệp gia tăng, sinh viên mới ra trường gian nan tìm việc

07:40' - 25/10/2023
BNEWS Tình trạng thất nghiệp đang gia tăng ở Malaysia, nhất là đối với các sinh viên mới ra trường khi họ phải chấp nhận làm những công việc không đúng với với lĩnh vực chuyên môn sau tốt nghiệp.

Đây là nhận định của Tiến sĩ Rais Hussin và Chan Myae San, thành viên nhóm nghiên cứu tại tổ chức tư vấn EMIR Research, Malaysia.

Theo dữ liệu về vị trí việc làm năm 2022 của cổng thông tin MyFutureJob thuộc Tổ chức An sinh xã hội Malaysia, khoảng 40% sinh viên mới ra trường phải làm ở các công việc đòi hỏi trình độ kỹ năng và tay nghề thấp.

Tình trạng thiếu việc làm ở Malaysia được chia thành 2 loại, gồm liên quan đến kỹ năng và liên quan đến thời gian.

Liên quan đến kỹ năng là khi người lao động có tay nghề cao song làm ở những công việc được trả lương thấp hoặc có tay nghề thấp, thường không yêu cầu bằng cấp. Liên quan đến thời gian là khi số giờ làm việc thực tế của người lao động thấp hơn khả năng hoặc điều kiện sẵn có, thường ở mức khoảng 30 giờ/tuần.

 

Theo số liệu của Cục Thống kê Malaysia năm 2021, có 4,57 triệu sinh viên tốt nghiệp có việc làm, trong đó 2,9% thiếu việc làm liên quan đến thời gian và 33,9% thiếu việc làm liên quan đến kỹ năng.

Tình trạng này có thể xuất phát từ một số nguyên nhân. Thứ nhất, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Malaysia có xu hướng ngày càng tăng kể từ sau cuộc cải cách giáo dục những năm 1990. Malaysia đã đầu tư đáng kể vào việc xây dựng nguồn nhân lực nhằm chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế dựa trên dịch vụ.

Thứ hai, nhu cầu ngày càng tăng đối với lao động có trình độ chuyên môn cao, buộc sinh viên phải tìm cách nâng cao trình độ học vấn. Tuy nhiên, khi sự gia tăng số lượng lao động không phù hợp với tính linh hoạt của thị trường và số lượng việc làm vốn có, những lao động này sẽ rơi vào tình trạng thiếu việc làm.

Theo giới chuyên gia, thị trường lao động ở Malaysia cần có thêm nhiều việc làm đòi hỏi trình độ kỹ năng và tay nghề cao hơn. Hiện hầu hết việc làm ở Malaysia đều thuộc nhóm kỹ năng tầm trung. Theo báo cáo Thống kê việc làm quý III/2022 của Cục Thống kê Malaysia, công việc thuộc nhóm kỹ năng tầm trung chiếm 62,3% tổng số việc làm trong quý, còn công việc có tay nghề cao và tay nghề thấp lần lượt là 24,9% và 12,8%.

Cũng theo thống kê nêu trên, số lượng việc làm tại Malaysia tập trung ở lĩnh vực dịch vụ (51,5%), tiếp đến là sản xuất (32%) và xây dựng (11,5%), cho thấy cơ cấu nền kinh tế này thiếu việc làm trong các ngành công nghiệp tay nghề cao.

Kể từ năm 2016, tình trạng thiếu cơ hội việc làm tay nghề cao đã khiến tỷ lệ tuyển sinh đại học ở Malaysia có xu hướng giảm. Tuy nhiên, số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm có tay nghề cao có công việc phù hợp vẫn sụt giảm. Quy mô của lực lượng lao động có trình độ đại học ngày càng tăng, song tốc độ tăng trưởng việc làm có tay nghề cao trong quý III/2022 chỉ ở mức 0,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ trưởng Nguồn Nhân lực V Sivakumar chia sẻ rằng Malaysia cần sớm có biện pháp nhằm giải quyết tình trạng này, nhằm tránh nguy cơ 4,5 triệu người có thể bị mất việc làm vào năm 2030.

Vấn đề chênh lệch giữa số lượng việc làm và người lao động có tay nghề đã dẫn đến việc sử dụng lao động không hiệu quả, gây ra những tác hại to lớn cho nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là năng suất giảm. Việc quá tập trung vào giáo dục đại học đã khiến cho người lao động có trình độ không tìm được việc làm phù hợp, gây ra tình trạng “chảy máu chất xám”.

Tình trạng thiếu việc làm cũng khiến cạnh tranh trên thị trường lao động trở nên gay gắt, buộc người lao động phải chuyển sang làm các công việc tự do như một giải pháp thay thế. Mặc dù công việc tự do mang lại sự linh hoạt và tiềm năng thu nhập cao hơn, song đây vẫn có thể coi là tình trạng thiếu việc làm vì các công việc tự do không tận dụng được tối đa trình độ chuyên môn hay nguyện vọng công việc của người lao động. Do đó, nhóm việc làm này không thể đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Giới chuyên gia cho rằng Chính phủ Malaysia cần ban hành nhiều chính sách, thúc đẩy cải cách để giải quyết tình trạng thiếu việc làm. Trong đó, một vấn đề quan trọng mà chính phủ cần sớm giải quyết điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế. Với số lượng người có trình độ học vấn ngày càng tăng, nền kinh tế Malaysia cần phải có sự gia tăng phù hợp về cơ hội việc làm có tay nghề cao để tối ưu hóa lực lượng lao động.

Để đạt được mục tiêu này, chính phủ cần thúc đẩy phát triển các ngành nghề, lĩnh vực đang có tốc độ tăng trưởng và nhu cầu lao động tay nghề cao trên toàn thế giới như công nghệ, năng lượng xanh. Ngoài ra, Chính phủ Malaysia cần sớm có giải pháp để chuyển đổi các ngành nghề sử dụng tay nghề thấp sang tay nghề cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục