Thay đổi chiến lược trong “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia

07:00' - 10/05/2021
BNEWS Giới chức Chính phủ Saudi Arabia đặt mục tiêu gây dựng chu kỳ tăng trưởng kinh tế hiệu quả thông qua hoạch định chính sách tập trung hơn và hợp tác nhiều hơn với các đối tác khu vực tư nhân.

Các nhà hoạch định chính sách của Saudi Arabia hiện vẫn chưa cho thấy những dấu hiệu chậm lại trong nhịp độ và quy mô các sáng kiến phát triển kinh tế được công bố sau 5 năm đầu tiên triển khai kế hoạch “Tầm nhìn 2030”.

Theo Viện nghiên cứu Arab vùng Vịnh, quy mô của các sáng kiến mới, chương trình và mục tiêu này của Saudi Arabia mang lại không ít cơ hội thương mại, song cách tiếp cận dàn trải trong hoạch định chính sách kinh tế có nguy cơ cản trở sự tiến bộ trong dài hạn.

Trong một cuộc phỏng vấn cuối tháng Tư vừa qua, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã đề cập tới yếu tố tập trung hóa nhiều hơn của hoạch định chính sách kinh tế, vốn được coi là điều cần thiết để thúc đẩy Tầm nhìn 2030. 

Theo báo cáo, Chính phủ Saudi Arabia đã thành lập Cục Ngân sách và có kế hoạch triển khai một Văn phòng Chính sách mới trong năm nay. Các biện pháp này có thể giúp tạo ra sự nhất quán và bền vững cần thiết đối với những chiến lược kinh tế khác nhau. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ nhiều năm trước đã khuyến nghị Chính phủ Saudi Arabia xây dựng một khuôn khổ rộng hơn để hướng dẫn các quyết định đầu tư và vay nợ.

Hồi tháng 11/2020, Thái tử Saudi Arabia tuyên bố rằng Quỹ Đầu tư Công (PIF) sẽ bơm 40 tỷ USD/năm vào nền kinh tế trong nước, tạo động lực để quỹ đầu tư này phải cân bằng giữa mong muốn tạo ra lợi nhuận từ các khoản đầu tư quốc tế với việc bơm vốn vào thị trường trong nước. 

Theo Thái tử Mohammed, PIF giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế của Saudi Arabia và điều này sẽ tiếp tục. Trong khi đó, chương trình hợp tác công tư mới Shareek đặt mục tiêu thu hút 1.300 tỷ USD đầu tư của các doanh nghiệp hàng đầu như Saudi Aramco và Tập đoàn Công nghiệp Cơ bản Saudi vào năm 2030.

Chính phủ Saudi Arabia cũng đang khơi dậy những sáng kiến nhằm nâng cao năng lực thương mại và khả năng tiếp cận quốc tế của các doanh nghiệp trong nước. Trong tháng Hai vừa qua, Saudi Arabia đã công bố kế hoạch thành lập một ngân hàng tài trợ xuất nhập khẩu với mức vốn hóa 8 tỷ USD.

Sáng kiến “Sản xuất tại Saudi Arabia” được đưa ra vào tháng Ba, nhằm hỗ trợ các sản phẩm quốc gia ở cấp địa phương, đồng thời liên kết các công ty nội địa với các nhà nhập khẩu toàn cầu.

Thái tử Mohammed cũng đã công bố “Sáng kiến Xanh” cho Saudi Arabia nói riêng và hướng tới khu vực Trung Đông nói chung. Mặc dù chủ yếu liên quan tới vấn đề môi trường, song các sáng kiến này bao gồm dự án nhằm cải thiện môi trường sống, tăng công suất năng lượng tái tạo và ứng dụng nhiều công nghệ dầu khí sạch hơn. Các mục tiêu thân thiện với môi trường ngày càng được đan xen trong các dự án phát triển do nhà nước quản lý.

Saudi Arabia đặt mục tiêu thu hút 500 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thập kỷ tới. Các số liệu đầu tư gần đây cho thấy mục tiêu này là không dễ đạt được. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2015-2019, tổng dòng vốn FDI của Saudi Arabia đạt 25,8 tỷ USD. 

Ngày 15/2 vừa qua, Chính phủ Saudi Arabia thông báo, để đảm bảo hợp đồng với chính phủ, các công ty nước ngoài được yêu cầu thành lập trụ sở khu vực tại nước này kể từ ngày 1/1/2024. Các kế hoạch bổ sung đang được thực hiện để đẩy nhanh chương trình tư nhân hóa và thu thêm ngân sách từ các tài sản nhà nước.

Chính phủ Saudi Arabia cũng tìm kiếm các khoản đầu tư trong nước và quốc tế vào sáng kiến phát triển du lịch mới trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Đầu năm nay, PIF đã ra mắt sáng kiến nâng cao danh tiếng của Saudi Arabia như một điểm đến du lịch hấp dẫn. 

Trên cơ sở đó, Thái tử Mohammed bin Salman đã công bố thành lập Công ty Phát triển Soudah, một tổ chức khác thuộc sở hữu của PIF có kế hoạch rót 3 tỷ USD vào các dự án du lịch và cơ sở hạ tầng tại khu vực Asir của Saudi Arabia.

Những kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng của PIF đã tạo nền tảng cho nhiều chương trình và sáng kiến kinh tế. Chương trình mới của quỹ đầu tư quốc gia trong giai đoạn năm 2021-2025 đặt mục tiêu gia tăng tài sản do quỹ này quản lý từ 400 tỷ USD vào năm 2021 lên 1.070 tỷ USD vào cuối năm 2025. 

Thái tử Mohammed bin Salman thậm chí còn có ý nói rằng cổ phiếu của tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco có thể được chuyển sang PIF. Giải pháp này sẽ cho phép quỹ này tăng trưởng nhanh hơn nguồn tài sản của mình, song không phản ánh mức tăng trưởng phi dầu mỏ được kỳ vọng trong Tầm nhìn 2030. PIF cũng đặt mục tiêu tạo ra 1,8 triệu việc làm vào năm 2025, tăng đáng kể so với mức chỉ 331.000 việc làm được tạo ra trong năm 2020.

Các quan chức của PIF có một số lý do chính đáng để lạc quan về triển vọng của những khoản đầu tư trong nước. Saudi Arabia là nền kinh tế lớn trong khu vực. Quốc gia này chiếm 49,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của tất cả 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) vào năm 2020. 

Phần lớn các chính sách kinh tế của Chính phủ Saudi Arabia cho thấy mong muốn tạo ra một chu trình bền vững, trong đó các khoản đầu tư của PIF tạo ra sự quan tâm lớn hơn của nhà đầu tư, làm tăng giá trị của các khoản đầu tư này và dẫn đến lợi suất cao hơn và có nhiều vốn hơn để bơm trở lại nền kinh tế.

Tuy nhiên, một chu trình như vậy không hoạt động trong hệ thống khép kín mà có sự liên kết với khu vực và toàn cầu. Các quốc gia Arab vùng Vịnh lân cận, đặc biệt là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đã đưa ra sáng kiến cạnh tranh để thu hút du khách nước ngoài và nhiều công ty toàn cầu. 

Bên cạnh đó, mức độ sẵn sàng của các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng tham gia vào quá trình chuyển đổi kinh tế đang diễn ra của Saudi Arabia sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào triển vọng lợi nhuận cao, trong khi ít phụ thuộc vào bất kỳ cam kết cá nhân nào đối với kế hoạch “Tầm nhìn 2030”.

Giá dầu cao hơn có thể tạo ra bước đệm tài chính ngắn hạn cần thiết để đưa các chương trình và sáng kiến kinh tế này “cất cánh” và tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tiềm năng. Tập đoàn Aramco đang nắm bắt cơ hội tiếp thị tài sản dầu khí của mình cho các nhà đầu tư quốc tế và Chính phủ Saudi Arabia được cho là đang đàm phán để bán thêm 1% cổ phần của tập đoàn này.

Mặc dù đánh giá của Chính phủ Saudi Arabia về tiến độ của "Tầm nhìn 2030" trong 5 năm đầu tiên là rất tích cực, song cũng có những góc nhìn khác cần được chú ý. Thập kỷ tiếp theo của kế hoạch này sẽ liên quan đến “tái cấu trúc” một số chương trình kinh tế, linh hoạt hơn trong lịch trình thực hiện và chuyển giao các sáng kiến khác. Cách tiếp cận cân bằng và ôn hòa hơn để phát triển kinh tế ở Saudi Arabia có thể không gây nhiều chú ý như trước đây, song sẽ mở ra lộ trình bền vững hơn trong dài hạn./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục