Thay đổi lớn trong hệ thống tiền tệ của Iran

05:30' - 02/09/2019
BNEWS Theo mạng tin Al-Monitor, Iran sẽ đưa vào lưu thông một loại tiền mới hiện có tên gọi chưa chính thức là toman, với tỷ giá 1 toman đổi 10.000 rial.
Đồng rial của Iran (dưới) và đồng USD (trên). Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu dự luật này được Quốc hội và Hội đồng giám hộ Iran thông qua, Chính phủ sẽ khởi động một quá trình kéo dài trong hai năm để chuyển sang loại tiền mới với hy vọng nó sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế đất nước. Trong giai đoạn này, cả hai loại tiền tệ đều sẽ được sử dụng song song để tạo thuận lợi cho các quá trình chuyển đổi liên quan.

Trên thực tế, kế hoạch "đổi tiền" đã được "manh nha" tại Iran từ nhiều năm qua, nhưng nó chưa bao giờ được đệ trình lên Quốc hội nước này như một dự luật. Kế hoạch hiện tại ban đầu được Ngân hàng trung ương Iran (CBI) soạn thảo với lý do kỹ thuật, chủ yếu là để giảm gánh nặng in ấn tiền giấy.

Thống đốc CBI Abdolnaser Hemmati cho biết hiện có khoảng 7 tỷ tờ tiền giấy được lưu thông tại Iran, trong đó hơn 700 triệu tờ được thay thế hàng năm. Mặc dù vậy, việc in tiền giấy mới dự kiến sẽ không tạo ra gánh nặng chi phí lớn cho nền kinh tế và trong trung hạn, Iran sẽ chỉ cần lưu thông khoảng 3 tỷ tờ tiền giấy. 

Mặt khác, Tehran cũng đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động thanh toán không sử dụng tiền mặt, do đó chi phí in ấn tiền mặt thậm chí có thể còn giảm hơn nữa. Ngoài ra, loại tiền giấy mới sẽ được áp dụng các biện pháp bảo mật mới và hiệu quả hơn để ngăn chặn làm giả, vốn là tình trạng rất phổ biến ở Iran. 

Ngoài những cân nhắc về yếu tố kỹ thuật nói trên của CBI, còn có những khía cạnh kinh tế và xã hội buộc Chính phủ Iran phải nhanh chóng thúc đẩy kế hoạch này trong thời điểm hiện tại. Một lý do mà nhiều nhân vật chính trị, trong đó có cả Tổng thống Hassan Rouhani, đã từng đề cập tới là yếu tố "tâm lý xã hội".

Từ "toman" đã được sử dụng ở Iran từ những năm 1930. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao hơn ở nước này những năm gần đây, "1 toman trị giá 10 rial" đã không còn có giá trị hữu hình như thủa ban đầu và người dân nước này thậm chí đã bắt đầu coi "1 toman ngang với 10.000 rial".

Những người ủng hộ dự thảo luật thay đổi đồng nội tệ tại Iran đã viện dẫn những yếu tố có lợi cho nền kinh tế như giúp kiềm chế lạm phát; giảm bớt gánh nặng phụ thuộc nhiều vào tiền mặt; tiết kiệm trong việc in tiền giấy và tiền xu; tác động tâm lý tích cực khi giá trị của đồng nội tệ quốc gia cao hơn, đồng thời tạo thuận lợi cho công việc kế toán và giao dịch ngân hàng.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng kế hoạch này sẽ không có tác động thực sự đối với tình hình lạm phát của Iran, bởi lẽ yếu tố "lạm phát thực" sẽ phụ thuộc vào các chính sách kinh tế và phân phối chung của chính phủ một khi đồng tiền mới được đưa vào lưu thông. 

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm toán sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình phân tích và so sánh giữa các dữ liệu cũ và mới. Điều này chắc chắn có thể trở thành một vấn đề khó khăn cho các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, Iran sẽ cần thời gian để thích ứng với các đồng tiền có mệnh giá mới, đặc biệt trong nhóm các cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng. Tuy nhiên, kế hoạch dự kiến sử dụng song song cả hai loại tiền trong thời gian hai năm sẽ giúp ngăn chặn những tác động tiêu cực này.

Những tranh luận về tác động tổng thể của kế hoạch "đổi tiền" là điều không thể phủ nhận, song điều quan trọng là chính sách này chỉ phát huy hiệu quả mong muốn nếu chúng là một phần của quá trình cải cách cơ cấu nền kinh tế toàn diện của Iran. 

Do đó, Chính phủ Iran sẽ cần đưa ra các công cụ cần thiết để đảm bảo rằng những tầng lớp xã hội dễ bị tổn thương nhất sẽ không phải chịu tác động của quá trình điều chỉnh hệ thống tiền tệ. 

Mặt khác, cải thiện sức mua nói chung của xã hội cũng như giảm thuế cho các doanh nghiệp cần được thích ứng và điều chỉnh phù hợp với các thông lệ kinh doanh. Đây cũng sẽ là một trong những cải cách quan trọng cần được giới hoạch định chính sách tại Iran để mắt tới.

Chủ tịch Phòng thương mại Tehran Masoud Khonsari, đánh giá việc loại bỏ bớt "số 0" ra khỏi đồng nội tệ quốc gia sẽ không mang lại kết quả tích cực trừ khi sáng kiến này kết hợp và song hành với những cải cách cấu trúc. 

Nền kinh tế Iran cần thực thi một danh sách dài các cải cách về cơ cấu và pháp lý, đặc biệt liên quan đến việc cải thiện môi trường kinh doanh cho khu vực tư nhân. Một số thay đổi đã được định hình như điều chỉnh hệ thống thuế cũng như cải thiện các thủ tục hải quan. 

Tuy nhiên, một số cải cách khác cũng cần được đẩy nhanh để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh ở nước Cộng hòa Hồi giáo này, qua đó sẽ mở đường cho những thay đổi song hành với cải cách hệ thống tiền tệ quốc gia.

Một điểm đáng chú ý khác trong quá trình điều chỉnh hệ thống tiền tệ của Iran là sự thống nhất của tỷ giá hối đoái với cải cách đồng nội tệ. Nếu được quản lý tốt, tình trạng lạm phát có thể được kiểm soát ngay sau khi Iran chuyển đổi sang đồng tiền mới. Đây rõ ràng sẽ là một quá trình phức tạp, nhưng là khả thi và góp phần loại bỏ cơ chế ngoại hối đa cấp, vốn là một trong những nền tảng chính gây ra tình trạng tham nhũng tại Iran.

Mặc dù kế hoạch "đổi tiền" và điều chỉnh hệ thống tiền tệ của Iran vẫn cần sự thông qua của các cơ quan lập pháp quốc gia, song dư luận xã hội và cộng đồng doanh nghiệp Iran đang nóng lòng chờ đợi những phản biện chính trị xung quanh sáng kiến này trong vài tuần tới. 

Iran vốn là một quốc gia có lòng tự tôn dân tộc cao và việc người dân nước này phải trả 120.000 rial để đổi 1 USD như hiện nay là điều đi ngược với niềm tự hào đó. Người dân Iran hy vọng rằng, một khi đồng toman mới được đưa vào lưu thông, Chính quyền sẽ quản lý thị trường tiền tệ hiệu quả hơn để tạo ra giá trị bền vững cho tỷ giá hối đoái mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục