Thách thức đối với lĩnh vực xuất khẩu saffron của Iran

06:30' - 24/08/2019
BNEWS Các nhà xuất khẩu nhụy hoa nghệ tây (saffron) của Iran cho rằng tình trạng buôn lậu và các quy định hạn chế của Chính phủ nước này đã gây ra sự sụt giảm xuất khẩu loại “vàng đỏ” này trong năm nay.
Thách thức đối với lĩnh vực xuất khẩu saffron của Iran. Ảnh: EPA

Hãng thông tấn ILNA của Iran dẫn phát biểu của thành viên Hội đồng Saffron Iran, ông Ali Hosseini cho hay hoạt động xuất khẩu loại gia vị đắt tiền này trong giai đoạn từ tháng 4-6/2019 chỉ đạt hơn 40 tấn, giảm 15% so cùng kỳ năm ngoái. 

Theo ông Hosseini, saffron của Iran được bán ở khắp các thị trường châu Âu và châu Á. Ông Hosseini cho rằng xu hướng sụt giảm xuất khẩu saffron sẽ tiếp tục trong 2 hoặc 3 tháng tới, khi các khách hàng ở châu Âu giảm mua mặt hàng này do rơi vào thời điểm mùa đi nghỉ hoặc nhiều khách hàng có thể sẽ đợi mua sản phẩm của vụ thu hoạch mới ở quốc gia Trung Đông này.

Tuy nhiên, ông Hosseini cho hay lý do chính dẫn đến tình trạng xuất khẩu saffron bị giảm sút là do Chính phủ Iran định giá quá thấp đối với sản phẩm saffron vốn nổi tiếng khắp thế giới. Điều này đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp ở miền Đông Iran, trong đó có thành phố Mashhad, nơi phần lớn saffron của Iran được buôn bán tại đây. 

Ngoài ra, theo ông Hosseini, mỗi kg saffron của Iran có giá dao động từ 700-1.000 euro (776-1.100 USD) tại các thị trường châu Âu, nhưng giá mà Chính phủ Iran quy định lại thấp hơn đáng kể, chỉ vào khoảng 450-600 euro/kg (tương đương 500-665 USD).

Nhiều nhà xuất khẩu cũng như những nông dân trồng nghệ tây phàn nàn rằng việc định giá quá thấp đã làm gia tăng tình trạng buôn lậu saffron sang nước láng giềng Afghanistan. Tại đây, các sản phẩm saffron của Iran được đóng gói lại và xuất khẩu đi nhiều nước.

Ali Hosseini, thành viên của Hội đồng Saffron Quốc gia Iran cho biết tình trạng buôn lậu sản phẩm này sang Afghanistan đã là nguyên nhân chính làm giảm xuất khẩu chính thức mặt hàng này sang Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) - khách hàng mua saffron chính của Iran. 

Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu lớn khác của saffron Iran là Trung Quốc, Tây Ban Nha, Italy và Pháp. Theo ông  Hosseini, những kẻ buôn lậu mua saffron tại Iran và buôn lậu sang Afghanistan sau đó xuất sang Ấn Độ dưới các thương hiệu của Afghanistan.

Ông Hosseini lý giải, Ấn Độ đang áp dụng mức thuế thấp đối với sản phẩm saffron nhập khẩu từ Afghanistan, trong khi đánh thuế cao đối với saffron của Iran. 

Điều này khiến ngày càng nhiều người vận chuyển saffron với số lượng lớn từ thành phố Mashhad của Iran sang Afghanistan. Trong khi đó, nhà chức trách Iran cho rằng hoạt động buôn bán, kinh doanh trái phép đã khiến hoạt động xuất khẩu saffron của Iran phải trả giá đắt.

Mặc dù một số quốc gia khác trong khu vực cũng sản xuất saffron, song saffron từ Iran được đánh giá là nổi tiếng nhất thế giới. Iran tự hào là thủ phủ của saffron, cung cấp đến hơn 90% lượng saffron xuất khẩu trên toàn thế giới và được công nhận là quốc gia có chất lượng saffron hàng đầu. 

Mỗi năm, Tehran thu về hàng trăm triệu USD từ việc xuất khẩu loại sản phẩm đặc biệt này. Iran sản xuất trung bình 370 tấn saffron trên tổng diện tích canh tác hơn 180.000 hécta mỗi năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục