Thay đổi toàn bộ về lượng và chất trong tiến trình cổ phần hóa

09:33' - 04/10/2018
BNEWS Tiến độ cổ phần hóa thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, không vì thế mà phải cổ phần hóa bằng mọi giá.
Cổ phần hóa: “Bình mới, rượu phải mới”!. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp nhà nước sẽ hoạt động như thế nào sau khi cổ phần hóa để thực sự là “bình mới, rượu mới” nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 8 tháng của năm 2018, có 10 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa (gồm 9 doanh nghiệp Nhà nước và 1 đơn vị sự nghiệp). Tổng giá trị doanh nghiệp là 29.524 tỷ đồng; trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.271 tỷ đồng. Các Tập đoàn, Tổng công ty các doanh nghiệp đã thoái được 3.772 tỷ đồng, thu về 9.140 tỷ đồng.
Nhận định về tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng còn chậm, khó có khả năng đạt được kế hoạch đề ra năm 2018.
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng cần quan tâm khi cổ phần hoá là phải đảm bảo sự phát triển bền vững sau khi cổ phần hóa tại doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), phần lớn các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa một thời gian đều có kết quả hoạt động tốt hơn trên nhiều mặt về doanh thu, lợi nhuận, quyền lợi cho người lao động… Quan trọng nhất là doanh nghiệp đã đổi mới được quản trị, tăng tính tự chủ, linh hoạt trong hoạt động, đặc biệt là vấn đề công khai minh bạch thông tin.
Ông Đặng Quyết Tiến cũng chỉ ra rằng ngay các doanh nghiệp cổ phần hoá cuối năm 2017 đầu năm 2018 vừa qua như Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower). Lúc cổ phần hóa khả năng huy động vốn của doanh nghiệp có hạn, nhưng sau khi cổ phần hóa (chuyển sang công ty cổ phần) doanh nghiệp đã có định hướng để huy động thêm vốn theo nhiều kênh nhờ đổi mới quản trị, tình hình tài chính, kết quả kinh doanh khả quan.
Đồng quan điểm, ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital chỉ ra thực tế cho thấy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa, đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế và cả ngân sách nhà nước. Cổ phần hóa cũng giúp thị trường vốn có thêm nhiều công ty niêm yết, các doanh nghiệp nhờ đó có thể gọi vốn thuận lợi hơn thông qua phát hành cổ phiếu, giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, giúp cơ cấu vốn tổng thể của nền kinh tế cân bằng hơn.
“Đó là những điều đổi mới căn bản của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa. Chuyển sang công ty cổ phần khi đã áp dụng quản trị sẽ rõ ai chịu trách nhiệm, ai làm được và làm được như thế nào, đồng tiền thu được sẽ được các cổ đông giám sát hiệu quả”, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, vấn đề cổ phần hóa phải làm quyết liệt, triệt để thay đổi toàn bộ về lượng và chất. Đặc biệt, sau cổ phần hóa cần kiên quyết hoạt động theo cơ chế thị trường thì mới đem lại giá trị gia tăng lớn.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, có một số vấn đề lớn ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa như thể chế. Dù cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc mà người dân quan tâm về đất đai, định giá được đặt theo quy trình minh bạch, chặt chẽ, công khai hơn, nhưng vẫn còn tồn tại một số khó khăn.
Trong một nghiên cứu về chủ đề cổ phần hoá, TS. Nguyễn Quang Trung, Đại học RMIT cho rằng, một số hạn chế khiến quá trình cổ phần hoá chậm trễ là do nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu không muốn thực hiện cổ phần hoá, thiếu các ưu đãi có ý nghĩa cho nhân viên cũng như lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước. Việc định giá đất đai còn phức tạp, nhiều doanh nghiệp Nhà nước chưa được chuẩn bị tốt cho việc chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO)...
Để thúc đẩy quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, chuyên gia của RMIT cho rằng, cần cải thiện tính hấp dẫn của doanh nghiệp Nhà nước thông qua cải thiện quản trị doanh nghiệp, loại bỏ các vấn đề tồn đọng, tăng độ minh bạch và tái cơ cấu nếu cần thiết. Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp tiếp cận phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hiệu quả hơn theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; rút ngắn thời gian phê duyệt thủ tục và tăng thời gian cho nhà đầu tư…
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, với tư cách là đơn vị xây dựng cơ chế, chính sách về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Tài chính đã hoàn thành cơ bản đầy đủ khung khổ pháp lý. Trong quá trình triển khai có một số vấn đề mang tính đặc thù, Bộ đã cử cán bộ thường xuyên nắm bắt, kịp thời lắng nghe để tháo gỡ vướng mắc của các Tập đoàn, Tổng công ty và các địa phương với thời gian nhanh nhất. Đặc biệt, tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, Bộ đã cử cán bộ tham gia Ban chỉ đạo cổ phần hóa để kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đứng đầu doanh nghiệp. Đặc biệt cần rà soát lại các danh mục cổ phần hóa, thoái vốn, nếu đơn vị nào làm chậm phải có nhắc nhở, kiểm điểm. Trường hợp danh mục thoái vốn cơ quan, doanh nghiệp đã đăng ký năm 2017, 2018 không làm được thì cần mạnh dạn chuyển giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - doanh nghiệp thoái vốn chuyên nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2018 – 2020, cơ quan đại diện chủ sở hữu khẩn trương phấn đấu hoàn thành kế hoạch. Các doanh nghiệp có khả năng không hoàn thành kế hoạch cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết. Đồng thời, doanh nghiệp phải khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của Luật Đất đai, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP về quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm, cũng nêu rõ các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các kiến nghị, giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước phục vụ cho Hội nghị chuyên đề về đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ chủ trì trong thời gian tới.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tháo gỡ, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018; thực hiện bán cổ phần lần đầu đối với các doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án cổ phần hóa. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa có cổ đông chiến lược thì lên kế hoạch, triển khai kịp thời để bán cho cổ đông chiến lược theo đúng thời hạn quy định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục