Thẻ Căn cước có những thay đổi gì từ ngày 1/7/2024?

15:36' - 28/11/2023
BNEWS Quốc hội đã thông qua dự án Luật Căn cước có hiệu lực kể từ 1/7/2024. Luật Căn cước mới quy định, trường thông tin về quê quán, vân tay đã được lược bỏ, không cần thể hiện trên thẻ căn cước.

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân 2014 từ ngày 1/7/2024.

Luật Căn cước gồm 7 chương 46 điều quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật này áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một số thay đổi trên thẻ Căn cước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024:

Đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.

Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội, giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.

Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ nhân dân.

 

Bỏ dấu vân tay, thông tin quê quán, nơi thường trú trên thẻ căn cước

Theo Điều 18. Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước

1. Thẻ căn cước gồm bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa và thông tin được in trên thẻ gồm:

a) Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;

c) Dòng chữ “CĂN CƯỚC”;

d) Ảnh khuôn mặt;

đ) Số định danh cá nhân;

e) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

g) Ngày, tháng, năm sinh;

h) Giới tính;

i) Nơi đăng ký khai sinh/Nơi sinh;

k) Quốc tịch;

l) Nơi cư trú;

m) Ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng;

n) Nơi cấp: Bộ Công an.

2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về quy cách, ngôn ngữ, hình dáng, kích thước, chất liệu của thẻ căn cước, thông tin được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa và nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú và trường hợp người không có hoặc không thu nhận đầy đủ thông tin quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, thẻ Căn cước mới tới đây sẽ lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng.

Bộ Công an giải thích, những thông tin về vân tay, đặc điểm nhận dạng không được thể hiện trên bề mặt thẻ Căn cước, tuy nhiên vẫn sẽ được quản lý trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ.

Việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ Căn cước là để bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ Căn cước.

Cũng theo Luật Căn cước này, thông tin về quê quán trên thẻ Căn cước sẽ bị lược bỏ và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mục thông tin quê quán được thay bằng thông tin về nơi đăng ký khai sinh.

Trên thẻ Căn cước mới sẽ không còn thông tin nơi thường trú, thay vào đó là thông tin nơi cư trú. Quy định mới giúp cho công dân không có đủ điều kiện đăng ký thường trú, chỉ đăng ký tạm trú vẫn được cấp thẻ Căn cước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục