The Capital Economics: Dịch COVID để lại “vết sẹo” sâu với kinh tế Trung Đông – Bắc Phi

09:34' - 29/08/2020
BNEWS Theo Capital Economics, cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 có thể để lại những “vết sẹo” kinh tế hằn sâu đối với các quốc gia tại Trung Đông – Bắc Phi.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, nguy cơ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trở lại tại khu vực này trong thời gian tới có thể khiến nhiều nước phải áp dụng trở lại các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Điều này sẽ gây ra những thách thức lớn hơn đối với tiến trình phục hồi kinh tế mong manh của khu vực này.

Đây là nhận định của hãng nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics về viễn cảnh kinh tế Trung Đông – Bắc Phi trong nghiên cứu mới công bố.

Theo Capital Economics, cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 có thể để lại những “vết sẹo” kinh tế hằn sâu đối với các quốc gia tại Trung Đông – Bắc Phi.

Dữ liệu phân tích gần đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Ai Cập bắt đầu tăng, trong khi 75% doanh nghiệp du lịch và lữ hành tại thành phố Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất – UAE) có thể phải ngừng hoạt động vào cuối năm 2020.

Khu vực vùng Vịnh từng được coi là tâm dịch COVID-19 ở Trung Đông và Bắc Phi trong giai đoạn từ tháng 4 đến đầu tháng 7 vừa qua, khi chiếm khoảng 80% các ca lây nhiễm mới.

Nhờ các biện pháp ứng phó nhanh chóng và quyết liệt, trong đó có hạn chế đi lại và mở rộng xét nghiệm trên diện rộng, số ca mắc COVID-19 đã bắt đầu giảm bớt.

Tuy nhiên, tại UAE, tình hình bắt đầu phức tạp trở lại khi các ca nhiễm liên tục tăng trong vài tuần qua và chạm ngưỡng cao nhất kể từ giữa tháng 7. Giới chức nước này cảnh báo nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu hơn, nhiều khả năng UAE sẽ phải tái áp dụng lệnh giới nghiêm.

Nhà kinh tế James Swanston tại Capital Economics nhận định thành phố Dubai của UAE được coi là trung tâm kinh tế của khu vực, song cũng dễ bị tổn thương trước các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và phong tỏa.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể đẩy thành phố này nói riêng và UAE nói chung rơi vào các thách thức tài chính mới.

Tại Ai Cập, các biện pháp nới lỏng nền kinh tế đã được áp dụng song Thủ tướng Mostafa Madbouly kêu gọi người dân vẫn cần thận trọng và tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nhằm tránh để xảy ra làn sóng COVID-19 thứ hai.

Trong khi đó, một số quốc gia khác trong khu vực như Maroc, Tunisia, Jordan và Liban cũng đang ghi nhận các ca nhiễm tăng trở lại những tuần gần đây.

Vì vậy, giới chuyên gia khẳng định quá trình phục hồi của những nền kinh tế này sẽ chậm hơn nhiều so với dự đoán nếu phải đối mặt với một đợt COVID-19 mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục