Thể chế 3 trọng tâm trong hoạt động xây dựng sẽ gỡ khó cho nhiều dự án

16:28' - 15/07/2024
BNEWS Đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền, đảm bảo cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và sửa đổi quy định không còn phù hợp với thực tiễn sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện Cục đang chủ trì, tham mưu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021 về quản lý dự án đầu tư xây dựng nhằm thể chế 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, sẽ góp phần gỡ khó cho nhiều dự án còn đang vướng mắc. 

Cụ thể, cục tiếp tục đề xuất tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền, đảm bảo cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng nêu tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Thứ hai là sẽ sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Cuối cùng là điều chỉnh, bổ sung các quy định đảm bảo đồng bộ với các pháp luật mới ban hành – ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đảm bảo cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng được triển khai theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền thẩm định dự án, thiết kế cho địa phương.

Đơn cử như đối với dự án đầu tư công, tại Nghị định số 15, Bộ chuyên ngành thẩm định dự án nhóm A, nhóm B, dự án được đầu tư trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên. Sang đến Nghị định số 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đã phân cấp dự án nhóm B có công trình cấp 2 trở xuống cho địa phương.

Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định mới, sẽ phân cấp toàn bộ cho cơ quan chuyên môn ở địa phương thực hiện, trừ dự án nhóm A có công trình cấp 1 quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp để đảm bảo phù hợp với nguồn lực, năng lực của cơ quan chuyên môn địa phương – ông Tuấn dẫn chứng.

Còn đối với cắt giảm các trường hợp phải thẩm định hoặc thẩm định lại ở cơ quan chuyên môn về xây dựng, dự thảo Nghị định cũng quy định nâng quy mô dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật từ 15 lên 20 tỷ đồng và các dự án bảo trì, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng có quy mô thuộc dự án nhóm C, ví dụ dự án giao thông đến 120 tỷ đồng.

Theo đó các dự án này không phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng. Đồng thời, quy định việc xác định quy mô để xác định thẩm quyền thẩm định đối dự án sửa chữa cải tạo chỉ trong phạm vi công việc sửa chữa cải tạo thay vì theo quy mô dự án hiện hữu như quy định hiện hành. Đồng thời, quy định cụ thể những nội dung điều chỉnh dự án phải thẩm định ở cơ quan chuyên môn về xây dựng để hạn chế tối đa số lượng dự án này phải thẩm định cơ quan chuyên môn xây dựng hoặc thẩm định tại các Bộ chuyên ngành.  

Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định tăng cường quy định giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tách các thủ tục có thể thực hiện thông qua dịch vụ công do đơn vị sự nghiệp hoặc các tổ chức xã hội nghề nghiệp có thể thực hiện ra khỏi thủ tục hành chính.

Điển hình như việc sát hạch để kiểm tra kiến thức phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được tách khỏi quy trình cấp chứng chỉ hành nghề và được thực hiện toàn trình trên phần mềm sát hạch. Các lĩnh vực hành nghề không cần chuyên môn sâu sẽ được gộp thành một lĩnh vực hoặc cắt giảm để giảm số lượng chứng chỉ hành nghề…

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc và sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, Cục trưởng Hoàng Anh Tuấn cho biết, dự thảo Nghị định cũng làm rõ một số khái niệm, đối tượng quản lý làm cơ sở áp dụng đúng quy định pháp luật như “công trình ngầm”, “hạ tầng khung khu chức năng”…

Ví dụ quy định thẩm định sự phù hợp quy mô, diện tích, ranh giới tầng hầm công trình tại thiết kế cơ sở với quy hoạch được duyệt là một nội dung vướng mắc rất lớn cho nhiều dự án trên phạm vi cả nước khi yêu cầu phải đánh giá nội dung này trong khi quy hoạch phân khu về nguyên tắc không quy định nội dung này.

Việc quy định rõ tầng hầm của công trình chỉ là phần ngầm của các công trình chỉ thể hiện tại Quy hoạch chi tiết và không quy định ở các Đồ án quy hoạch cấp trên sẽ tháo gỡ triệt để vướng mắc và đẩy nhanh việc thực hiện số lượng rất lớn các dự án hiện nay.

Bên cạnh đó, các loại quy hoạch cũng được làm rõ, là căn cứ lập dự án và cấp phép xây dựng. Do các dự án được hình thành từ nhiều loại quy hoạch theo pháp luật về quy hoạch, pháp luật chuyên ngành và có những khu vực không yêu cầu lập quy hoạch.

Theo đó, ngoài Quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch tổng mặt bằng là căn cứ lập dự án đầu tư xây dựng như pháp luật hiện hành, dự thảo Nghị định cũng bổ sung Quy hoạch chung đô thị là căn cứ lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung đô thị theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị; Quy hoạch chung khu chức năng là căn cứ lập dự án hạ tầng kỹ thuật khung khu chức năng theo pháp luật về xây dựng.

Trường hợp dự án được đầu tư xây dựng tại khu vực đã ổn định về chức năng sử dụng đất, không yêu cầu lập quy hoạch đô thị theo pháp luật về quy hoạch đô thị thì thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý kiến trúc là cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng…

Quy định việc lập dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư được điều chỉnh một số nội dung về bố cục, hình khối, thông số kỹ thuật công trình trong quy hoạch xây dựng khi bảo đảm các điều kiện về chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ giới xây dựng; đảm bảo quy định trong thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc (nếu có); phù hợp quy chuẩn về quy hoạch xây dựng; và được điều chỉnh một số chỉ tiêu, thông số trong văn bản về quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư được duyệt khi các nội dung điều chỉnh này không thuộc trường hợp có yêu cầu phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Như vậy sẽ tránh “cứng nhắc” như quy định hiện nay và phát huy sáng tạo ở giai đoạn thiết kế dự án nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước – Cục trưởng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh…

Thể chế 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động xây dựng thông qua việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 15 được kỳ vọng sẽ nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho các dự án còn đang vướng mắc, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện, nhất là với lĩnh vực giao thông, bất động sản.

Theo Cục trưởng Hoàng Anh Tuấn, từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý hoạt động xây dựng đã tích cực tham mưu xây dựng, sửa đổi chính sách, pháp luật và tham gia nhiều tổ giúp việc, đoàn công tác Chính phủ, các bộ, ngành địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm quốc gia và gia tăng số lượng khởi công mới dự án đầu tư tư nhân, dự án từ dòng vốn FDI; tạo lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục