Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản vẫn chậm 

14:25' - 10/07/2024
BNEWS Mặc dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng thị trường và các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ phục hồi của thị trường vẫn chậm.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Xây dựng tổ chức ngày 10/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, các chỉ tiêu kế hoạch của ngành đề ra đều có chuyển biến tích cực.

Tốc độ tăng trưởng của ngành tang 7,34% - đây là là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2024. Cụ thể như đô thị hóa đạt trên 43,1%, các tỷ lệ phát trển từ hạ tầng, nhà ở, sản xuất tiêu thụ vật liệu xây dựng… đều ghi nhận sự tăng trưởng. Kết quả đạt được trong lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng cũng tốt.

Trong 2 quý đầu năm 2024, đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng nhận định, dù thị trường bất động sản có dấu hiệu tích cực, chuyển biến, phục hồi nhưng tốc độ phục hồi rất chậm, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Hay như phát triển nhà ở xã hội cũng vậy. Từ Chính phủ xuống đến các cấp, ngành đều quyết tâm rất cao nhưng so với yêu cầu, kế hoạch đặt ra thì vẫn chưa được như kỳ vọng. Nhất là mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao hoàn thành 130 nhìn căn nhà ở xã hội trong năm 2024 thì cho đến thời điểm này rất khó hoàn thành và phải có giải pháp tháo gỡ - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ.

Theo Chánh văn phòng Bộ Xây dựng Đậu Minh Thanh, một trong những phương hướng, nhiệm vụ của ngành trong những quý cuối năm 2024 là tập trung triển khai theo dõi việc thi hành các Nghị định, Quyết định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sau khi được ban hành. Đây là hành lang pháp lý quan trọng có tác động nhiều đến thị trường bất động sản.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương nhằm cụ thể hóa nhiều biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp.

Từ đầu năm, thị trường đã có phản ứng tích cực với các tín hiệu như mức độ quan tâm, tìm kiếm thông tin về bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao. Lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng, quý sau cao hơn quý trước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đang có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Thị trường ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới mở bán. Bên cạnh đó, việc lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà… cũng giúp gia tăng niềm tin cho khách hàng, tăng thanh khoản trên thị trường.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng khuyến nghị, mặc dù thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng thị trường và các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước. Do đó, việc tìm hiểu kỹ thị trường để có hướng phát triển phù hợp rất quan trọng.

Về phía Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đưa ra các giải pháp trong quản lý, điều hành chung cho các lĩnh vực trong toàn ngành. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị nắm chắc tình hình trong nước, quốc tế để có dự báo chính xác, tham mưu kip thời và có giải pháp hiệu quả, phù hợp thực tiễn đối với khâu quản lý nhà nước về xây dựng.

Cùng với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngành xây dựng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, quản lý, điều hành; rà soát phân công nhiệm vụ đúng người – đúng việc - đúng sở trường. Từ đó, khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trong công việc, trì chệ, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm… - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, ngành xây dựng cũng quán triệt việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ và tăng cường phối hợp liên bộ ngành, địa phương… trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước của bộ.

Để phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời, không phát sinh vi phạm, Bộ Xây dựng mong các địa phương phối hợp, đồng hành cùng hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ đổi mới cách thức tiếp cận, nắm bắt sát thực tiễn tại điiaj phương để cùng tháo gỡ các khó khăn liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành; chủ động truyền thông chính sách để tạo đồng thuận trong qúa trình triển khai thực hiện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục